
Tổng thống Donald Trump bước xuống cầu thang chiếc Không lực Một khi đến Căn cứ Andrews, ngày 6/4. (Ảnh: AP)
Phát biểu với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một ngày 6/4, Tổng thống Mỹ Trump cho biết ông không muốn thị trường toàn cầu sụp đổ, nhưng cũng không lo ngại về tình trạng bán tháo ồ ạt.
"Đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa lành một điều gì đó", ông nói.
Phát biểu được ông Trump đưa ra khi thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục đà sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Các trợ lý của ông Trump cũng nỗ lực xoa dịu giới đầu tư khi đưa ra thông tin 50 quốc gia đã liên hệ với Mỹ để đề nghị đàm phán dỡ bỏ thuế quan.
"Tôi đã nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo, châu Âu, châu Á, từ khắp nơi trên thế giới. Họ đang rất muốn đạt được một thỏa thuận. Và tôi đã nói, chúng tôi sẽ không thâm hụt với đất nước của các bạn. Chúng tôi sẽ không làm điều đó, vì với tôi, thâm hụt là một khoản lỗ. Chúng ta sẽ có thặng dư hoặc tệ hơn là hòa", ông Trump nói.
Các mức thuế đối ứng sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/4, mở ra một kỷ nguyên bất ổn kinh tế mới mà chưa rõ hồi kết sẽ ra sao.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết, các hoạt động thương mại không công bằng không phải là "vấn đề có thể đàm phán trong vài ngày hoặc vài tuần". Ông cho biết, Mỹ phải xem "những gì các quốc gia đưa ra và liệu chúng có đáng tin hay không".
Khi thị trường chao đảo và biểu tình nổ ra khắp nơi, ông Trump dành trọn cuối tuần ở Florida để chơi golf. "CHÚNG TA SẼ CHIẾN THẮNG. CỐ GẮNG, sẽ không dễ dàng đâu”, ông viết trong đoạn đăng trên mạng xã hội.
Các quốc gia đang chạy đua tìm ra cách ứng phó với mức thuế mới, sau khi Trung Quốc và nhiều nước khác nhanh chóng trả đũa.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Kevin Hassett thừa nhận các quốc gia khác đang "tức giận và trả đũa".
Chính sách thuế mới ảnh hưởng đến cả đồng minh và đối thủ của Mỹ, trong đó Israel chịu mức thuế 17%. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ đến thăm Nhà Trắng và có cuộc họp báo chung với ông Trump trong ngày 7/4.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni không đồng tình với hành động của ông Trump nhưng "sẵn sàng triển khai mọi công cụ đàm phán và kinh tế cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp và lĩnh vực của chúng tôi có thể bị nhắm tới".
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói rõ rằng sẽ không có việc hoãn thuế quan nào trong vài ngày tới.
"Thuế quan sẽ đến. Tất nhiên là chúng sẽ đến", ông nói và cho biết Tổng thống Trump muốn thiết lập lại thương mại toàn cầu.
Tại Quốc hội, nơi đảng Cộng hòa của ông Trump từ lâu vẫn ủng hộ thương mại tự do, nhiều người hoan nghênh bước đi của ông Trump nhưng cũng có lo lắng đáng kể.
Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa đã ký vào dự luật lưỡng đảng yêu cầu Tổng thống phải giải trình về mức thuế quan mới với Quốc hội. Ngày 6/4, nghị sĩ đảng Cộng hòa Nebraska Don Bacon cho biết sẽ trình dự luật của Hạ viện, cho rằng Quốc hội cần khôi phục quyền hạn của mình đối với thuế quan.
Tỷ phú Elon Musk tương đối im lặng về việc ông Trump áp mức thuế mới, nhưng ông phát biểu tại một sự kiện cuối tuần ở Ý rằng, muốn Mỹ và châu Âu chuyển sang "cơ chế thuế quan bằng 0".
Phát biểu của người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) đã bị Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro khiển trách.
"Elon, khi ông ấy ở trên làn DOGE của mình thì thật tuyệt. Nhưng chúng tôi hiểu những gì đang diễn ra ở đây. Chúng ta chỉ cần hiểu là Elon bán ô tô. Ông ấy chỉ đơn giản là bảo vệ lợi ích của chính mình như bất kỳ doanh nhân nào sẽ làm", ông Navarro nói.
Tổng thống Trump cho biết ông không đồng ý với cố vấn Musk về Liên minh châu Âu. "Họ muốn trao đổi, nhưng sẽ không có cuộc trao đổi nào trừ khi họ trả cho chúng tôi rất nhiều tiền hằng năm", ông Trump nói.