Chuyên gia nước ngoài dự báo giá có thể lên 4.000 USD/ounce: "Vàng vẫn nhận được động lực mạnh mẽ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang"

Những lo ngại về việc Mỹ áp thuế quan với các đối tác thương mại lớn đang tạo ra sự thay đổi trong hoạt động đầu tư trên toàn cầu. Trong bối cảnh này, ngân hàng Pháp Société Générale khuyến nghị nhà đầu tư nên nắm giữ vàng với mục đích đa dạng hoá.

Chuyên gia nước ngoài dự báo giá có thể lên 4.000 USD/ounce: "Vàng vẫn nhận được động lực mạnh mẽ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang"- Ảnh 1.

Tuần trước, SocGen đã công bố báo cáo Chiến lược danh mục đầu tư đa tài sản cho quý II và tiếp tục giữ vàng với vị trí cốt lõi trong danh mục. Ở mức 7%, vàng vẫn là loại tài sản có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của ngân hàng, không thay đổi so với quý trước.

Các nhà phân tích cho biết: “Vàng vẫn nhận được động lực mạnh mẽ, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang.”

Dù vàng vẫn đang đứng vững ở mức trên 3.000 USD/ounce, SocGen dự kiến giá sẽ còn tăng cao hơn. Ngân hàng Pháp ước tính giá vàng sẽ giao dịch ở mức trung bình khoảng 3.300 USD/ounce trong quý IV.

Các nhà phân tích chỉ ra, những bất ổn địa chính trị tiếp tục thúc đẩy vị thế của vàng với vai trò là một loại tài sản quan trọng trên toàn cầu. Họ cũng chỉ ra các yếu tố có thể đẩy giá lên 4.000 USD/ounce.

Theo các nhà phân tích của SocGen, tình hình địa chính trị vẫn bất ổn, quá trình phi đô la hoá có khả năng sẽ tiếp tục, tức là các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ không ngừng mua vàng. Đồng USD có rủi ro sẽ yếu hơn và các ngân hàng trung ương có thể sẽ đẩy nhanh quá trình phi đô la hoá, do đó chúng tôi giữ quan điểm lạc quan về giá vàng.

Ngân hàng này cho biết thêm, giá vàng có thể tăng cao hơn nữa, lên đến 4.000 USD/ounce, nếu 210 tỷ euro tài sản bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga được sử dụng để chuyển sang hỗ trợ Ukraine. Điều này sẽ tạo ra tiền lệ và thôi thúc các ngân hàng trung ương không liên kết với phương Tây thực hiện các động thái phi đô la hoá mạnh mẽ hơn để né tránh các lệnh trừng phạt hoặc rủi ro bị tịch thu tài sản.

Ngoài nắm giữ vàng, SocGen cũng tăng vị thế đối với ngoại tệ nhưng giảm tỷ trọng với USD, mua euro và yên Nhật nhiều hơn. Hiện tại, ngân hàng này không nắm giữ USD, giảm 5% so với quý I. Trong khi đó, vị thế với đồng euro tăng lên 8% từ mức không nắm giữ trước đó, phân bổ 7% đối với đồng yên, tăng từ mức 5%.

Không chỉ với USD, SocGen cũng đang giảm tỷ trọng đối với chứng khoán Mỹ, giảm tỷ lệ nắm giữ từ 45% xuống 40%. Ngân hàng này giải thích việc Mỹ áp thuế quan và châu Âu tăng chi tiêu tài khoá là lý do khiến thị trường Mỹ bớt hấp dẫn.

Các nhà phân tích giải thích, Washington đã tạo ra sự bất ổn lớn, vượt ra ngoài các chính sách thương mại. Trong khi đó, các chính sách mới của Tổng thống Trump đang thúc đẩy sự hứng khởi với thị trường châu Âu, thậm chí có thể thúc đẩy Trung Quốc tái cân bằng nhờ động lực từ hoạt động tiêu dùng. Điều này có thể giúp thị trường châu Âu và Trung Quốc tăng trưởng tích cực.

Ngoài ra, các nhà phân tích của SocGen nhận thấy tiềm năng ở đồng và giữ quan điểm bi quan với giá dầu.

Ngân hàng cho hay: “Vẫn còn quá sớm để khẳng định giá vàng đã chạm đáy, do chính sách khuyến thích tăng sản lượng và rủi ro tăng trưởng kinh tế Mỹ sụt giảm vẫn tạo ra sự bất ổn với loại hàng hoá này. Chúng tôi lạc quan hơn về đồng.”

Đối với đồng, các nhà phân tích giữ nguyên dự báo năm 2025 ở mức 10.000 USD/tấn, nhưng đang điều chỉnh mục tiêu của năm 2026 xuống còn 11.000 USD/tấn.

Tham khảo Kitco News

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/chuyen-gia-nuoc-ngoai-du-bao-gia-co-the-len-4000-usdounce-vang-van-nhan-duoc-dong-luc-manh-me-trong-boi-canh-bat-on-dia-chinh-tri-leo-thang-a162807.html