
APEC là Diễn đàn kinh tế của 21 nền kinh tế lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, quy tụ những nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo các bộ, tổng giám đốc, doanh nhân từ 21 nền kinh tế và nhiều quốc gia khác. Không chỉ thu hút các chính khách và hàng vạn người tham dự trong những ngày diễn ra sự kiện, APEC còn tạo ra cơ hội lớn quảng bá điểm đến khi có hàng nghìn phóng viên từ các quốc gia. Do đó, tuần lễ cấp cao APEC diễn ra hằng năm đã và sẽ đưa địa danh diễn ra sự kiện trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.
Năm 2017 khi Đà Nẵng đăng cai APEC, TP sông Hàn đã đón tới 6.000 phóng viên liên tục đưa tin, mang hình ảnh trung tâm du lịch biển miền Trung của VN lan tỏa khắp toàn cầu. Với quy mô và giá trị lớn như vậy, điểm đến nào khi được "chọn mặt gửi vàng" đều tận dụng triệt để từng cơ hội để thúc đẩy du lịch, dịch vụ, quảng bá hình ảnh quốc gia, cũng như xúc tiến những hợp đồng kinh doanh lớn để thu hút dòng vốn FDI cho giai đoạn sau sự kiện. Bởi, bên cạnh những nhà lãnh đạo, APEC sẽ thu hút 20.000 - 40.000 thương gia, doanh nghiệp (DN), khách du lịch... đến địa phương trong sự kiện.
Theo ước tính của Viện Phát triển Gyeongbuk (Hàn Quốc, chủ nhà đăng cai APEC 2025), Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ tạo ra 97,2 tỉ won (670 triệu USD) sản lượng; 465,4 tỉ won giá trị gia tăng và tạo ra hơn 7.900 việc làm cho Hàn Quốc.
Do sự tác động mạnh mẽ của APEC đến kinh tế, xã hội, nên để chuẩn bị cho APEC những thành phố đăng cai đều rất coi xây dựng kế hoạch chi tiết để cải thiện những tồn đọng của thành phố, trong đó bao gồm nâng cấp cảnh quan đô thị và mở rộng hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, hệ thống phòng họp và trung tâm hội nghị.
Chia sẻ kinh nghiệm từ "người đi trước" Đà Nẵng khi đăng cai APEC 2017, TS Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đã phải khởi động một kế hoạch hành động từ năm 2014 và "chạy đua" thực hiện đầu tư các dự án như nâng cấp Trung tâm Hội nghị triển lãm thành Trung tâm Hội nghị quốc tế, trung tâm báo chí phục vụ APEC; xây dựng nhà ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, xây dựng phòng VIP đón nguyên thủ quốc gia; cải tạo sửa chữa Cung thể thao Tiên Sơn phục vụ việc dự phòng địa điểm tổ chức gala dinner cho APEC; chỉnh trang hàng loạt tuyến đường trọng điểm…
Từ hạ tầng đón tiếp ở sân bay cho đến đường sá đi lại, chỗ ăn ở, nghỉ ngơi, họp hành, gặp gỡ, nơi tổ chức các lễ ký kết, tổ chức các tour khảo sát… phải đảm bảo phục vụ cho 21 đoàn, mà mỗi đoàn, mỗi nguyên thủ lại có những yêu cầu rất khác nhau. Như riêng đoàn Mỹ đi cả ngàn người, toàn chuyên cơ, hạ tầng sân bay không đáp ứng được thì thua. Đó mới là phần cứng, phần mềm còn là nhân lực quản lý, điều hành, tổ chức dịch vụ, đội ngũ cộng tác viên…
Theo đánh giá của các chuyên gia, chủ đề APEC 2027 "Kết nối và xây dựng nền kinh tế toàn diện và bền vững" cũng là một thách thức đối với Phú Quốc khi đăng cai. Bởi thực tế, "đảo ngọc" của Việt Nam vẫn đang đối diện với áp lực phát triển bền vững, trước các vấn đề về rác thải, nguồn nước sạch, thực hiện quy hoạch thành phố và đặc biệt là quy mô sân bay Phú Quốc hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng.
Hiện nay, không chỉ sân bay quá tải, thiếu đường băng, chỗ đỗ, chưa có nhà ga và phòng chờ VIP cấp nguyên thủ, mà cả hạ tầng đường bộ và đường thủy tại Phú Quốc cũng vẫn còn rất hạn chế. Phú Quốc hiện có 5 tuyến đường tỉnh nhưng chưa đồng bộ với các dự án đã được doanh nghiệp đầu tư, thiếu hụt hệ thống giao thông công cộng từ sân bay, các bến cảng về trung tâm TP. Về đường thủy, Phú Quốc có 4 cảng tàu thủy nhưng vừa tạm dừng khai thác cảng An Thới do chưa được khai thác xứng tầm, hiệu quả.
Bàn về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Trước hết, để sớm đón sự kiện Apec 2027, việc đầu tiên của Phú Quốc là phải mở rộng sân bay. Hiện nay, theo thiết kế sân bay đã vượt khả năng rồi, sân bay chỉ đón được trên 4 triệu hành khách/năm. Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Phú Quốc rất lớn nên ngay từ bây giờ phải mở rộng sân bay, thêm 1 đường băng nữa và 1 nhà ga T2 nữa, đáp ứng nhu cầu cỡ 10 triệu khách/năm thì mới đạt yêu cầu của việc đón khách quốc tế”.
Cũng theo ông Chính, vấn đề gấp rút thứ 2 là phải điều chỉnh lại quy hoạch thành phố. Mặc dù Phú Quốc được phê duyệt rồi là thành phố du lịch nghỉ dưỡng, là đô thị thành phố đảo rất lớn nhưng Phú Quốc cần có quy hoạch phân khu rõ ràng hơn để đảm bảo được sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là hạ tầng là giao thông xanh, đảm bảo an ninh về năng lượng, phải giữ gìn được môi trường. Vì Phú Quốc có cả sông, rừng, biển. Các khu du lịch phải quản lý được vấn đề không để quá nhiều khách vào một khu, tránh quá tải. Quá trình nghiên cứu phải xem xét lại phân khu chức năng, vấn đề quy hoạch phân khu, đi vào quy hoạch chi tiết để tạo nên dự án có sự phát triển phù hợp nhu cầu.
“Đặc biệt, phân khu tổ chức sự kiện nằm trong quy hoạch chung của thành phố, phải là khách sạn 5 sao, khách sạn đẳng cấp quốc tế thì mới đủ yêu cầu để đón khách quốc tế của du lịch của các nước”, ông Chính khẳng định.
Cũng theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: “Để làm tốt được những vấn đề trên cần giao quyền cho địa phương như chủ trương của Chính phủ. Cụ thể đây là tỉnh kiên giang và TP Phú Quốc, trên cơ sở đó họ làm và chịu trách nhiệm. Nhà nước không nên áp đặt, nên để địa phương tự chủ, tự tin để làm tốt. Nhà nước chỉ quản lý bằng cơ chế chính sách và Luật”.
Cùng quan điểm với ông Chính, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng để Phú Quốc mở rộng sân bay nên học hỏi, tham khảo phát triển mô hình thu hút đầu tư tư nhân như sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng là một hình thức chúng ta có thể tham khảo để phát triển tốt hơn trong thời gian tới. “Đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và sân bay nói riêng chúng ta chủ yếu dùng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, để hiệu quả chúng ta cần phát triển mô hình thu hút đầu tư tư nhân”, ông Lực khẳng định.
Cũng theo ông Lực: “Việt Nam đã có kinh nghiệm tổ chức Apec khá tốt thời gian vừa qua. Năm 2017, chúng ta tổ chức thành công Apec ở Đà Nẵng. Phú Quốc nên học tập kinh nghiệm Apec 2017. Tuy bây giờ khá là khác về các góc độ địa chính trị, vấn đề phân cực trên thế nhưng đây là cơ hội tốt để Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng quảng bá du lịch, quảng bá tiềm năng phát triển của mình. Đặc biệt chúng ta mong muốn phát triển Phú Quốc thành một khu kinh tế đặc biệt đây là cơ hội rất tốt để quảng bá, thu hút về du lịch đầu tư, giáo dục y tế và một số lĩnh vực khác”.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh để chuẩn bị tốt cho Apec 2027, Phú Quốc cũng cần xem lại khâu quy hoạch, cần rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và cuối cùng phối hợp chặt chẽ với Trung ương, các bộ ngành để triển khai thực hiện thật bài bản, chuyên nghiệp. Vấn đề chuẩn bị chỉnh trang cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ vì đa số đại biểu sử dụng công nghệ cao.