Hướng đi mới trong nông nghiệp
Những cánh đồng mì khô cằn tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) giờ đây được thay thế bằng những vườn dâu xanh mướt, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho tằm, giúp người dân có thu nhập ổn định. Mô hình này không chỉ nâng cao đời sống mà còn thúc đẩy nông nghiệp bền vững, tận dụng hiệu quả tài nguyên đất và lao động địa phương.
Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho biết, trước đây, nông dân chủ yếu trồng mì với thu nhập bấp bênh do giá cả không ổn định và đất đai bạc màu.
Nhận thấy tiềm năng của nghề trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất. Nhờ thử nghiệm thành công, mô hình này đang được nhân rộng tại thôn Đoàn Kết, với diện tích trồng dâu ngày càng tăng.
Trồng dâu nuôi tằm, trồng mía, một hướng đi bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Quý khẳng định: "Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, những vườn dâu xanh tốt đã dần thay thế các nương mì kém hiệu quả. Nghề nuôi tằm không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn giúp người dân tận dụng tối đa tài nguyên đất và lao động nhàn rỗi. Sự chuyển đổi này không chỉ cải thiện đời sống mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho bà con".
Ông Đoàn Văn Thủy, thôn Đoàn Kết (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ trồng mì sang trồng dâu nuôi tằm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Thủy cho biết trước đây gia đình có hơn ha trồng mì, nhưng do giá cả bấp bênh và dịch bệnh phá hoại, thu nhập không đủ bù chi phí. Nhận thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm khả quan hơn, ông quyết định chuyển đổi và đạt được những kết quả tích cực.
Ông Đoàn Văn Thủy, thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ cây mì sang trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Sau khi đầu tư mua giống dâu về trồng, tôi khăn gói tìm đến các mô hình trồng dâu nuôi tằm ở các huyện Bảo Lộc, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật. Sau đó, tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây nhà và mua sắm các trang thiết bị nuôi tằm.
Đất không phụ lòng người, lứa tằm đầu tiên đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập 30 triệu đồng, với 2 hộp giống trong thời gian 2 tháng. Thấy việc nuôi tằm cho hiệu quả, tôi nuôi lên 40 hộp giống trong thời gian 2 tháng, sau khi trừ chi phí còn cho lãi được hơn 100 triệu đồng. Năm 2024, tôi nuôi 200 hộp giống tằm, tỉ lệ sống gần 100%, trong thời gian 10 tháng, lãi hơn 300 triệu đồng", ông Thủy chia sẻ.
Vươn lên thoát nghèo
Huyện Chư Sê đang trở thành điểm sáng với mô hình trồng dâu nuôi tằm, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ chuyển đổi từ cây mì truyền thống sang trồng mía và dâu tằm.
Chia sẻ về mô hình kinh tế này, ông Phạm Hữu Viên, Chủ tịch UBND xã Hbông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết: "Những năm gần đây, mô hình trồng dâu nuôi tằm phát triển mạnh trên địa bàn xã. Nhờ thành lập hợp tác xã, các hộ dân liên kết với nhau, người có kinh nghiệm, kỹ thuật sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ những hộ mới bắt đầu, tạo nền tảng vững chắc cho nghề nuôi tằm phát triển bền vững".
Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên có kinh thế khá giả nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây mì truyền thống sang trồng mía, trồng dâu nuôi tằm.
Nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi khoa học, nhiều hộ dân tại xã Hbông có thu nhập ổn định, bình quân đạt 30 triệu đồng/tháng. Hiện, trên địa bàn xã có 98 hộ tham gia liên kết trồng dâu nuôi tằm với tổng diện tích 113ha.
Ông Trần Văn Hùng (xã Hbông) chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng mì nhưng do giá cả bấp bênh, sâu bệnh nhiều nên thu nhập không ổn định. Khi địa phương khuyến khích chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, tôi quyết định thử nghiệm. Chỉ sau một năm, thu nhập đã tăng gấp 2-3 lần so với trồng mì. Nghề này không quá vất vả, nhưng lại mang lại nguồn thu nhập đều đặn".
Ban đầu còn e ngại vì chưa quen với nuôi tằm, nhưng sau khi được tập huấn kỹ thuật, ông Hùng nhận thấy đây là mô hình dễ làm. "Chỉ cần đầu tư cây giống, chăm sóc lá dâu là có thể nuôi tằm. Không tốn nhiều phân bón, không lo mất mùa như trồng mì. Sau hai năm, tôi đã có thể xây nhà mới từ nguồn thu này", ông phấn khởi nói.
Ông Đào Trọng Huyền (SN 1969, ngụ thôn Ia Sa, xã Hbông) thành công với mô hình trồng mía.
Không theo mô hình trồng dâu nuôi tằm, ông Đào Trọng Huyền (SN 1969, thôn Ia Sa, xã Hbông) lại thành công với việc chuyển đổi sang trồng mía, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương.
Trò chuyện với PV, ông Huyền phấn khởi: "Vườn mía của gia đình tôi phát triển rất tốt. Vừa rồi, đại diện nhà máy đường đến kiểm tra trữ lượng đường trong mía. Họ rất hài lòng. Gia đình tôi cũng rất phấn khởi chờ ngày thu hoạch".
Theo ông Huyền, trước kia gia đình ông trồng mì, cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ ngày lãnh đạo nhà máy đường về hợp tác với người dân, gia đình ông rất yên tâm sản xuất. Mọi chi phí từ tiền thuê đất, giống phân bón, kỹ thuật đều được nhà máy hỗ trợ.
"Thậm chí đến ngày thu hoạch, không phải làm thủ công như trước, nhà máy đưa máy móc hiện đại đến thu hoạch. Tất cả các công đoạn đều bằng máy móc 100% rất hiện đại", ông Huyền nói.
Thành lập mô hình Nông hội trồng dâu nuôi tằm xã Ia Ga.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng tại xã Hbông, nhiều hộ dân tại xã Ia Ga cũng bắt đầu chuyển sang trồng dâu nuôi tằm.
Chia sẻ về xu hướng này, ông Rơh Mah Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Ia Ga cho biết: "Thời gian gần đây, số hộ trồng dâu nuôi tằm tăng lên nhanh chóng, thậm chí con số này vẫn tiếp tục tăng từng ngày.
Để hỗ trợ bà con, xã đã quyết định thành lập mô hình Nông hội trồng dâu nuôi tằm, giúp người dân nắm vững kỹ thuật và yên tâm sản xuất".
Nhờ mô hình này, những hộ có kinh nghiệm đi trước sẽ hướng dẫn, chia sẻ kỹ thuật cho các hộ mới. "Nhờ sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã có nguồn thu nhập ổn định và từng bước thoát nghèo", ông Nghĩa khẳng định.
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/huong-di-moi-giup-nong-dan-gia-lai-thoat-ngheo-a157252.html