Start-up loay hoay tìm vốn rẻ

Trong bối cảnh hiện nay, việc làm kinh tế đối với các start-up đã khó, với start-up xanh càng khó hơn

Các nhà khởi nghiệp (start-up), đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mong mỏi được tiếp cận nguồn tài chính hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển dự án, tìm kiếm cơ hội đón đầu xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Nhiều dự án cần vốn

Từ cuối năm 2024 đến nay, anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (tỉnh Bình Dương), tích cực làm việc với ngân hàng để tìm thêm vốn cho dự án sản xuất cây ăn trái theo hướng hữu cơ quy mô khoảng 20 ha tại Bình Thuận. Do dự án nằm ở khu vực miền núi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, xa nguồn nước tưới tiêu nên cần chi phí đầu tư lớn để dẫn nước về vùng trồng, cải tạo mặt bằng, tổ chức sản xuất…

"Tôi định hướng xây dựng trang trại theo hướng hữu cơ, nói không với phân thuốc hóa học độc hại để cung cấp trái cây an toàn cho thị trường và phủ xanh đất trống, đồi trọc, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Nếu vay được nguồn vốn hỗ trợ, giá ưu đãi thì tiến độ dự án sẽ được đẩy nhanh hơn, sản phẩm sẽ ra thị trường sớm và nhiều hơn" - anh Sang kỳ vọng.

Tương tự anh Sang, nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sản xuất xanh hoặc công nghệ phục vụ sản xuất xanh cũng đang có nhu cầu lớn về nguồn tài chính hỗ trợ dự án từ các ngân hàng, quỹ đầu tư, nhà đầu tư…

Hồi giữa tháng 8-2024, Công ty CP Phúc Sinh công bố nhận khoản tài trợ 25 triệu USD từ Quỹ Green (Hà Lan) để phát triển vùng trồng cà phê và xây thêm 2 nhà máy sản xuất. Sau Phúc Sinh, Công ty Every Half (chuyên rang xay và bán lẻ cà phê) cũng công bố nhận tài trợ vòng hạt giống từ Openspace Ventures và Quỹ DSG Consumer Partners để phát triển giống cà phê có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu Starmaya (tỉnh Điện Biên) và Liberica (tỉnh Đắk Lắk).

Công nhân chuẩn bị phủ mùng cho trang trại táo của anh Lê Minh Sang tại Bình Thuận. Ảnh: THANH NHÂN

Công nhân chuẩn bị phủ mùng cho trang trại táo của anh Lê Minh Sang tại Bình Thuận. Ảnh: THANH NHÂN

Một start-up khác cũng thuộc lĩnh vực chống biến đổi khí hậu là Alternō đã nhận 1,5 triệu USD đầu tư từ The Radical Fund (Singapore), Touchstone Partners (Việt Nam) và nhiều nhà đầu tư khác trong năm 2024 để tiếp tục phát triển giải pháp lưu trữ năng lượng bằng pin cát phục vụ công nghiệp nhằm giải bài toán năng lượng cho các nông trại, hướng đến giảm phát thải carbon.

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi xanh đối với các DN và nền kinh tế không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, nhận định các DN áp dụng kinh tế tuần hoàn không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh. Trong quá trình chuyển đổi, vốn cho DN phát triển theo xu hướng xanh là rất cần thiết, trong đó có dòng vốn tín dụng.

"Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các ngân hàng Việt Nam đã cấp khoảng 650.000 tỉ đồng tín dụng xanh, trong đó gần 45% được phân bổ cho các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tài chính xanh vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng dư nợ cho vay và nguồn vốn dài hạn vẫn còn hạn chế" - ông Thọ phân tích.

Vẫn là rào cản lớn

Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp (BSSC), cho hay các nhà khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng chưa thực sự sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn cho sản phẩm xanh, cộng với sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm truyền thống. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm xanh, công nghệ xanh thường rất cao.

"Các start-up rất cần có lực đẩy từ tài chính xanh, thị trường xanh… Cụ thể, cần có cơ chế đặc thù để các start-up dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi với điều kiện cho vay, lãi suất và thời hạn vay phù hợp hơn" - bà Diệu Hằng nhận định.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng - Ngân hàng UOB Việt Nam, thông tin nền kinh tế xanh của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 5% GDP. Trong khi đó, nền kinh tế nâu chiếm ưu thế với tỉ trọng lên tới 95%, cho thấy dư địa phát triển kinh tế xanh vẫn còn rất lớn.

Tại tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), thông tin các DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong quá trình xanh hóa, từ tài chính, nguồn nhân lực đến công nghệ và nhận thức. Một trong những rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính.

Theo thống kê, khoảng 65% DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó.

Để hỗ trợ vốn cho quá trình chuyển đổi xanh, trong đó có các DN khởi nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các tổ chức tài chính cần tiếp tục mở rộng kênh tài trợ xanh, khuyến khích DN đầu tư vào giải pháp bền vững và năng lượng tái tạo.

Việc thúc đẩy các hình thức huy động vốn, như trái phiếu xanh và tín dụng ESG, sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính cho DN. Từ đó, quá trình chuyển đổi xanh được đẩy nhanh trên phạm vi toàn quốc. 

Ngân hàng vào cuộc

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ngân hàng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho DN vay vốn tín dụng xanh. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đang triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng tài trợ dự án đầu tư thuộc các ngành trọng điểm và dự án thuộc lĩnh vực xanh với lãi suất ưu đãi từ 6%/năm, cố định đến 24 tháng. Gói vay áp dụng với các khoản giải ngân từ nay đến hết năm 2025.

"Tín dụng xanh là cam kết mạnh mẽ của Agribank trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Ngân hàng đồng hành cùng DN hiện thực hóa các dự án xanh, mỗi dự án là một bước tiến của nền kinh tế xanh. Không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn, ngân hàng còn tư vấn, giúp DN phân bổ vốn một cách hiệu quả, sử dụng linh hoạt các sản phẩm tài chính để tối ưu hoạt động của dự án" - đại diện Agribank cho biết.


Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/start-up-loay-hoay-tim-von-re-a157067.html