Phá thế độc tôn của Nga, một công ty tung ra nhà máy điện giữa biển, hâm nóng thị trường 2.6 nghìn tỷ USD

Dự án đầy tham vọng này hứa hẹn cung cấp năng lượng cho bờ biển Mỹ trong khoảng 10 năm tới.

Phá thế độc tôn của Nga, một công ty tung ra nhà máy điện giữa biển, hâm nóng thị trường 2.6 nghìn tỷ USD- Ảnh 1.

Năng lượng hạt nhân đang trên đà phục hưng khi nhiều quốc gia hướng tới nguồn năng lượng này để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, “nút thắt cổ chai” trong việc phát triển ngành hạt nhân không nằm ở việc sản xuất lò phản ứng mà nằm ở khâu xây dựng. Phần lớn thời gian và chi phí đổ vào việc đảm bảo mặt bằng, xây dựng móng và nhà máy, cũng như xin giấy phép và hoàn thành các thủ tục hành chính.

Để giải quyết vấn đề này và đẩy nhanh tiến độ sản xuất, công ty Core Power có trụ sở tại Anh dự định kết hợp thiết kế lò phản ứng thế hệ 4 với phương pháp đóng tàu module truyền thống để sản xuất hàng loạt nhà máy điện hạt nhân nổi, dự kiến neo đậu ngoài khơi bờ biển Hoa Kỳ trong khoảng 10 năm tới. Công ty gọi đây là "chương trình Liberty", gợi nhớ đến những con tàu Liberty nổi tiếng được đóng với tốc độ nhanh chóng trong Thế chiến II.

Trọng tâm của những "con tàu Liberty nguyên tử" này là lò phản ứng muối nóng chảy cỡ nhỏ, một phiên bản cải tiến của thiết kế từ những năm 1950. Thay vì sử dụng thanh nhiên liệu trong nước điều áp làm chất làm chậm và làm mát neutron, những lò phản ứng này sử dụng nhiên liệu hạt nhân trộn với muối nóng chảy ở áp suất khí quyển bình thường.

Mặc dù có những nhược điểm riêng, song, lò phản ứng muối nóng chảy có ưu điểm là nhỏ gọn, đơn giản về mặt cơ học, được làm mát chủ yếu bằng tuần hoàn thụ động và không dễ xảy ra sự cố nóng chảy hạt nhân. Chúng cũng dễ bảo trì vì nhiên liệu đã qua sử dụng có thể được lọc ra khỏi hỗn hợp muối và thay thế bằng nhiên liệu mới. Core Power thậm chí còn tuyên bố rằng lò phản ứng của họ sẽ không cần nạp nhiên liệu trong suốt vòng đời hoạt động.

Phá thế độc tôn của Nga, một công ty tung ra nhà máy điện giữa biển, hâm nóng thị trường 2.6 nghìn tỷ USD- Ảnh 2.

Việc lắp đặt lò phản ứng trên tàu cho phép di chuyển chúng dễ dàng đến nơi cần thiết mà không gặp phải các rào cản như thủ tục hành chính hay vùng cấm môi trường. Chúng cũng có thể được di chuyển nếu nhu cầu thay đổi hoặc tình hình tại địa phương xấu đi. Ngoài ra, việc đặt các nhà máy dọc theo bờ biển giúp chúng tiếp cận với các khu vực có nhu cầu cao nhất. Hơn nữa, các nhà máy có thể được đưa về cơ sở trung tâm để bảo trì hoặc xử lý.

Ý tưởng về nhà máy điện hạt nhân nổi không phải là mới. Lò phản ứng đã được lắp đặt trên tàu ngầm và tàu chiến USS Nautilus vào năm 1954. Tiếp đó, nhà máy điện nổi đầu tiên ra đời vào năm 1967, sau hơn một thập kỷ.

Nga đã hồi sinh ý tưởng này vào năm 2019. Nhà máy Akademik Lomonosov thuộc sở hữu của công ty Rosatom (Nga) hiện là là nhà máy điện hạt nhân nổi duy nhất đang hoạt động trên thế giới. Nó đang cung cấp khoảng 60% năng lượng cho khu vực phía tây Chukotka và Chersky ở Yakutia. Theo World Nuclear News, con số này vẫn tiếp tục tăng qua các năm. Nhà máy bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 5/2020 có khả năng cung cấp điện cho một thành phố có dân số lên tới 100.000 người.

Phá thế độc tôn của Nga, một công ty tung ra nhà máy điện giữa biển, hâm nóng thị trường 2.6 nghìn tỷ USD- Ảnh 3.

Mỹ và Anh cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Core Power muốn tiến xa hơn nữa. Công ty cho biết việc sản xuất hàng loạt lò phản ứng nổi chỉ là giai đoạn đầu của một chương trình dài hạn. Mục tiêu cuối cùng không chỉ là đặt lò phản ứng trên tàu mà còn sử dụng chúng như một hình thức động cơ thương mại. Ngoài ra, các lò phản ứng này còn có thể được sử dụng để khử muối và sản xuất hydro xanh cho các ứng dụng năng lượng khác.

CEO Mikal Bøe của Core Power cho biết: "Chương trình Liberty sẽ mở ra thị trường điện nổi trị giá 2.6 nghìn tỷ USD, kéo theo đó việc đóng tàu hạt nhân sẽ được thực hiện đúng tiến độ và ngân sách. Do 65% hoạt động kinh tế diễn ra trên bờ biển, điều này sẽ cho phép năng lượng hạt nhân tiếp cận các thị trường mới. Chương trình Liberty của Core Power sẽ mang lại an ninh năng lượng bền vững cho ngành công nghiệp nặng và vận tải biển. Nhờ đó, nó sẽ cách mạng hóa ngành hàng hải và biến đổi thương mại toàn cầu." Core Power dự kiến mở sổ đặt hàng vào năm 2028 và bắt đầu giao hàng thương mại vào những năm 2030.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/pha-the-doc-ton-cua-nga-mot-cong-ty-tung-ra-nha-may-dien-giua-bien-ham-nong-thi-truong-26-nghin-ty-usd-a156928.html