Vụ đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê: Luật sư phân tích

Theo luật sư, hợp đồng giao khoán vườn cà phê có tính chất như hợp đồng lao động và doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Vụ đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê: Luật sư nói gì? - Ảnh 1.

Việc công ty cà phê thu phí bảo hiểm của người lao động bằng sản phẩm gây ra bất bình - Ảnh: TẤN LỰC

Trong hợp đồng khoán tại Công ty

Hợp đồng khoán giữa công nhân và Công ty Cà phê Ia Sao 1 thể hiện công ty đóng 23,5% kinh phí bảo hiểm và thu bằng sản phẩm - Ảnh: TẤN LỰC

Luật sư: Nộp sản lượng để đóng bảo hiểm là chưa phù hợp với quy định

Theo luật sư Thảo Nguyên (Đoàn luật sư TP.HCM), hợp đồng khoán là thỏa thuận dân sự giữa bên khoán và bên nhận khoán. Với các hợp đồng giao khoán xác định tính chất thực hiện công việc của người lao động và chi trả bằng sản lượng cà phê theo thu hoạch, hiện được xác định có tính chất như hợp đồng lao động.

Do đó pháp luật yêu cầu phải thực hiện đóng bảo hiểm xã hội. Nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và người sử dụng lao động trong trường hợp này được pháp luật quy định như sau:

Trên cơ sở lương của người lao động, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 32%. Trong đó người lao động đóng 10,5%, người sử dụng lao động đóng 21,5% và 2% kinh phí công đoàn.

Theo phản ánh của người lao động và căn cứ nội dung hợp đồng giao khoán quy định sản lượng nộp khoán (tức nộp bằng cà phê) của các công nhân gồm: cà phê kinh doanh tái canh và các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn (23,5%).

Từ đó phía người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải nộp lại một phần sản lượng tương ứng với 23,5% để đóng bảo hiểm, kinh phí công đoàn và thu thêm bằng tiền tùy theo bậc lương cho việc đóng bảo hiểm xã hội là chưa phù hợp với quy định pháp luật.

Bởi vì nghĩa vụ nộp 21,5% vào các quỹ bảo hiểm xã hội và 2% vào kinh phí công đoàn là nghĩa vụ của công ty. Còn người lao động chỉ phải đóng 10,5% tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Công ty có thể thu 10,5% tiền lương của người lao động để đóng thay người lao động vào các quỹ bảo hiểm xã hội. Còn đối với 23,5% các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn, công ty không được phép thu của người lao động và công ty phải tự đóng bằng kinh phí của mình.

"Mức đóng đã được luật quy định rõ, nên doanh nghiệp và người lao động cần thực hiện các nghĩa vụ đúng theo quy định pháp luật" - luật sư Thảo Nguyên cho hay.

Đề nghị doanh nghiệp đối thoại với người lao động

Ngày 21-2, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai thông tin sau khi có báo chí phản ánh, cơ quan này đã cử cán bộ xuống doanh nghiệp nắm bắt tình hình.

Đồng thời đề nghị doanh nghiệp và công đoàn sớm tổ chức hội nghị đối thoại với người lao động để trao đổi vấn đề, giải thích thông tin và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân để có hướng tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi người lao động.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai sẽ cử cán bộ tham dự hội nghị này.

Vụ đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê: Luật sư nói gì? - Ảnh 5.Vinacafe kiểm tra phản ánh vụ đóng bảo hiểm bằng cà phê

Lãnh đạo Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết sẽ kiểm tra và xem xét thông tin công nhân bức xúc khi bị yêu cầu đóng bảo hiểm xã hội bằng cà phê.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/vu-dong-bao-hiem-xa-hoi-bang-ca-phe-luat-su-phan-tich-a156681.html