Châu Âu có sẵn 500 Gigawatt công suất điện sạch nhưng người dân không thể dùng: Điện "chạy" đi đâu?

Thế giới cần phải đầu tư 3.100 tỷ đô la Mỹ để khắc phục vấn đề này.

Tổng giám đốc điều hành Hitachi Energy - ông Andreas Schierenbeck đã cảnh báo rằng châu Âu cần khẩn trương tăng cường đầu tư vào lưới điện để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao và đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Phát biểu trên chương trình The Big Question cùng Angela Barnes của Euronews, Schierenbeck đã nêu ra nhu cầu cấp thiết về việc mở rộng cơ sở hạ tầng, nhấn mạnh rằng các quy định lỗi thời và quy trình cấp phép chậm chạp đang cản trở tiến độ.

“Chúng tôi đột nhiên thấy mình đang ở trong tình huống cần nhiều năng lượng điện hơn chúng tôi nghĩ. Vì chúng tôi đã rơi vào tình huống này một cách thiếu chuẩn bị nên giờ chúng tôi đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu" - ông Schierenbeck cho biết.

 500 GW năng lượng tái tạo bị đình trệ do hạn chế lưới điện

Một trong những thách thức nổi bật nhất, theo Schierenbeck, là hơn 500 Gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo ở châu Âu đã sẵn sàng kết nối nhưng người dân vẫn chưa được sử dụng vì cơ sở hạ tầng lưới điện chưa được thiết lập.

Để hiểu rõ hơn, 500 GW là đủ năng lượng để cung cấp điện cho 50 tỷ bóng đèn LED hoặc sạc khoảng 45 triệu xe điện tiêu chuẩn; hay bằng công suất của 51.500 tua-bin gió ngoài khơi; hoặc công suất của 250 đập Hoover - đập trọng lực vòm bê-tông cao nhất của Mỹ - tạo ra cùng lúc.

Châu Âu có sẵn 500 Gigawatt công suất điện sạch nhưng người dân không thể dùng: Điện "chạy" đi đâu?- Ảnh 1.

Lưới điện đóng vai trò quan trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Ảnh: Zabala (EU)

Nút thắt này đe dọa khả năng chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu vào năm 2030 của châu Âu.

Schierenbeck ví sự chuyển dịch năng lượng này như sự trỗi dậy của Internet vào những năm 1990, đồng thời cho rằng chính phủ và doanh nghiệp phải hành động nhanh hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết.

Sự phát triển năng lượng tái tạo tiếp tục diễn ra với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu nhưng lưới điện lạc hậu và không đủ tiêu chuẩn có thể trở thành rào cản đáng kể đối với quá trình chuyển đổi năng lượng. 

Theo nghiên cứu của Rystad Energy (Na Uy), nếu thế giới muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, thì cần phải đầu tư 3.100 tỷ đô la Mỹ vào cơ sở hạ tầng lưới điện trước năm 2030.

Trong kịch bản đó, cần thêm 18 triệu km mạng lưới điện để theo kịp quá trình điện khí hóa đang diễn ra trên khắp các thành phố, bao gồm công suất năng lượng tái tạo mới và việc áp dụng nhanh chóng các phương tiện chạy bằng điện. 

Điều này sẽ đưa tổng chiều dài của tất cả các lưới điện trên toàn thế giới lên 104 triệu km vào năm 2030, mở rộng lên 140 triệu km vào năm 2050 - gần bằng khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu Châu Âu không hành động? Nếu châu Âu trì hoãn các khoản đầu tư quan trọng vào lưới điện và năng lượng tái tạo, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng, ổn định kinh tế và các cam kết về khí hậu. 

Tuy nhiên, Schierenbeck vẫn lạc quan tin rằng cải cách đổi mới và quy định vẫn có thể cho phép chuyển đổi năng lượng, nếu các bước đi đúng đắn được thực hiện ngay bây giờ.

Khi bối cảnh năng lượng toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi nhanh chóng, khả năng hiện đại hóa lưới điện của châu Âu sẽ quyết định liệu châu Âu có thể dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng sạch hay tụt hậu trong cuộc đua hướng tới tương lai bền vững.

Nguồn: Euro News, Rystad Energy

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/chau-au-co-san-500-gigawatt-cong-suat-dien-sach-nhung-nguoi-dan-khong-the-dung-dien-chay-di-dau-a156647.html