Chủ tịch Quốc hội nêu lý do hiện không thể bỏ hội đồng nhân dân cấp xã

"Chúng ta thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Vậy thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là ở đâu? Chính là ở HĐND”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Lấy thực tiễn là thước đo

Phát biểu ý kiến thảo luận tại phiên thảo luận ở tổ ngày 13/2, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội , Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ thống nhất quan điểm phải phân cấp mạnh cho Chính phủ để chủ động, kịp thời quyết định các vấn đề thực tiễn, giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, lấy thực tiễn là thước đo. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì phải giải quyết ngay, không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc mà làm chậm quá trình phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nêu lý do hiện không thể bỏ hội đồng nhân dân cấp xã- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh Như Ý

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình ra Quốc hội, Chính phủ đã rút đề xuất không tổ chức HĐND ở các quận, phường, xã ở đô thị trên cả nước. Trao đổi làm rõ hơn nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua, Quốc hội đã cho thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Ở những nơi thí điểm thì tiếp tục triển khai thực hiện, tổng kết và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét có nhân rộng được hay không.

Nhấn mạnh hiện nay không thể "bỏ" HĐND cấp xã , Chủ tịch Quốc hội cho biết, nếu không tổ chức HĐND cấp xã thì phải nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp. Đây là vấn đề liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

"Chúng ta thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát , dân thụ hưởng. Vậy thực hiện quyền làm chủ của nhân dân ở đâu? Chính là ở HĐND. Nếu đặt vấn đề không tổ chức HĐND thì ngoài Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ra, nhân dân sẽ phát huy quyền làm chủ ở đâu? Cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhân dân thông qua HĐND để thực hiện quyền làm chủ của mình, giám sát hoạt động của UBND", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Giao quyền mạnh cho Chính phủ

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội xem xét, thông qua các luật rất kỹ lưỡng. Thực tế, cùng một hệ thống pháp luật, có địa phương thực hiện tốt, rất chủ động, sáng tạo, không than khó với Trung ương , nhưng cũng có địa phương không thực hiện được, ách tắc việc này, việc kia thì lại đổ cho luật, cho nghị định, thậm chí có địa phương chưa làm đã than khó.

Để xử lý nhanh các công việc, vừa qua Quốc hội đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ủy quyền mạnh hơn cho Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giao quyền mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.

“Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện luật, giám sát việc ban hành nghị định, thông tư của Chính phủ có đúng với là luật hay không. HĐND địa phương cũng phải tăng cường chức năng giám sát mạnh hơn", Chủ tịch Quốc hội nói.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/chu-tich-quoc-hoi-neu-ly-do-hien-khong-the-bo-hoi-dong-nhan-dan-cap-xa-a155251.html