Đan Mạch muốn mua California?
"Bạn đã bao giờ nhìn vào bản đồ và nghĩ, "Bạn có biết Đan Mạch cần gì không? Nhiều ánh nắng mặt trời, nhiều cây cọ và giày trượt patin hơn". Vâng, chúng ta có một cơ hội duy nhất trong đời để biến giấc mơ đó thành hiện thực.
Hãy mua bang California từ [Tổng thống] Donald Trump!
Vâng, bạn nghe đúng rồi đấy.
California có thể là của chúng ta và chúng tôi cần sự giúp đỡ của bạn để biến điều đó thành hiện thực".
Trên đây là nội dung một bản kiến nghị mang tính trào phúng đã nhận được hơn 234.057 chữ ký, tính đến 10h sáng ngày 13/2 theo giờ Hà Nội.
Bản kiến nghị của người Đan Mạch được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn kiểm soát Greenland, một vùng lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch.
Bài viết nêu ra một số lý do Đan Mạch sẽ được hưởng lợi từ việc mua lại California, bao gồm thời tiết được cải thiện, nguồn cung bơ an toàn và sự thống trị về công nghệ.
"... California có 300 ngày nắng mỗi năm. Hãy tưởng tượng bạn đổi ủng đi mưa lấy dép tông!".
"Có thêm một nhóm anh em công nghệ? Tuyệt! Đó là điều mà mọi nền dân chủ cần".
"California trồng 90% sản lượng quả bơ của Mỹ. Đúng vậy – chúng ta sẽ không bao giờ hết bánh mì nướng bơ".
(Khung cảnh đảo Greenland xinh đẹp. Nguồn: CNN)
Bản kiến nghị cũng cho rằng, ông có thể sẽ "sẵn sàng chia tay với California với mức giá hợp lý" bởi ông không hẳn là người hâm mộ lớn nhất của bang này. Ông gọi đây là "bang bị tàn phá nhất trong Liên bang" và mâu thuẫn với các nhà lãnh đạo của California trong nhiều năm.
Do đó, nhóm soạn thảo bản kiến nghị hài hước nói rằng, cần khoảng 1.000 tỷ USD đề mua California kèm theo một phiếu quà tặng bánh ngọt Đan Mạch trọn đời để làm cho thỏa thuận thêm hấp dẫn.
Greenland dậy sóng
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã mô tả việc Mỹ kiểm soát Greenland là "điều hoàn toàn cần thiết".
Các quan chức ở cả Greenland và Đan Mạch đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ mong muốn sở hữu hòn đảo này của ông, mặc dù nhiều quan chức Đan Mạch nói với CNN rằng họ lo ngại rằng Tổng thống Mỹ hiện nghiêm túc hơn về ý tưởng này so với nhiệm kỳ đầu tiên.
Bất chấp những phản bác đó, cuộc tranh luận về tương lai của Greenland vẫn tiếp tục diễn ra do những đồn đoán ngày càng tăng về phong trào giành độc lập của hòn đảo này.
Trong bài phát biểu năm mới, Thủ tướng Greenland Múte Bourup Egede cho biết hòn đảo này nên thoát khỏi "xiềng xích của chủ nghĩa thực dân".
Hiện nay, do những phát biểu của Tổng thống Trump, bầu không khí tại Greenland đang trở nên ồn ào hơn bao giờ hết.
Trong bài viết đăng tải hôm 6/2, phóng viên CNN Donie O'Sullivan cho hay, gần đây, hoạt động đi lại tại sân bay quốc tế mới của Greenland ở thủ đô Nuuk tấp nập hơn khi các nhà báo đến đây để tìm hiểu.
Theo O'Sullivan, hầu hết những người Greenland bản địa mà ông nói chuyện, đều mong muốn Greenland giành quyền độc lập, chứ không phải chuyển từ quyền kiểm soát của Đan Mạch sang Mỹ.
"Tôi rất tự hào về con người Inuit [Eskimo] của chúng tôi", người dân bản địa Qupanuk Olsen nói. "Tại sao chúng tôi lại phải bị [nước khác] kiểm soát?".
Bà Olsen là người ủng hộ nền độc lập của Greenland và đang tham gia cuộc bầu cử sắp tới.
Bà thừa nhận rằng một Greenland độc lập sẽ cần phải ký các thỏa thuận mới với các quốc gia khác để bảo vệ 43.000km bờ biển của mình, cũng như các thỏa thuận khác liên quan đến thương mại và hỗ trợ tài chính.
Hay Jørgen Boassen, một người Greenland có biệt danh "con trai của Trump", dù được cho là người ủng hộ ông Trump nhiệt thành nhưng cũng không muốn Greenland bị Mỹ tiếp quản.
Ông cho biết ông không muốn Greenland bị coi là bang thứ 51 nhưng muốn Mỹ trở thành "đồng minh tốt nhất và thân cận nhất của Greenland về mọi mặt - từ quốc phòng, khai thác mỏ, thăm dò dầu mỏ, thương mại v.v...".
Greenland sẽ tổ chức bầu cử vào tháng tới, từ đó thế giới có thể hiểu thêm về quan điểm của người dân đảo này đối với các mối quan hệ quốc tế trong tương lai.