Mỹ không dự hội nghị G20 giữa mâu thuẫn với chủ nhà Nam Phi

Nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Nam Phi đáng lẽ là cơ hội để các quốc gia giàu có và hùng mạnh quan tâm đến những nỗi lo của nhóm quốc gia nghèo hơn, như tình trạng bất bình đẳng gia tăng, nợ công phình to và thiếu tiến triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, thành viên giàu có và mạnh nhất là Mỹ lại không tham gia. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu rằng các mục tiêu mà chủ nhà Nam Phi đặt ra cho G20 năm nay "rất tệ", và ông sẽ không tham dự các cuộc họp trong tuần tới với những người đồng cấp G20 tại Johannesburg.

Tổng thống Donald Trump gần đây cắt giảm hỗ trợ tài chính của Mỹ cho Nam Phi, với lý do không chấp thuận chính sách phân phối lại đất đai và vụ kiện chống lại Israel tại Tòa án Công lý quốc tế với cáo buộc diệt chủng.

Ongama Mtimka, giám đốc tạm quyền tại Trung tâm Quản trị và lãnh đạo Raymond Mhlaba thuộc Đại học Nelson Mandela, cho rằng những hành động của Mỹ "dường như nhằm đảm bảo Nam Phi không thể thành công với các hội nghị G20 năm nay".

Được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 - 2008 để đưa các nền kinh tế mới nổi tham gia hoạch định những vấn đề chung của thế giới, G20 đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế và tài chính toàn cầu.

G20 cũng được coi là diễn đàn quan trọng để thống nhất hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, vì các quốc gia G20 chiếm 85% nền kinh tế thế giới và hơn 3/4 lượng khí thải gây nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quan điểm thù địch của chính quyền Trump đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của diễn đàn trong bối cảnh hiện nay.

"Câu hỏi lớn hơn nên đặt ra: G20 là gì nếu không có Mỹ?", David Monyae, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Phi - Trung Quốc tại Đại học Johannesburg, cho biết.

"Không chỉ Nam Phi chịu tác động... Nó có thể là sự sụp đổ của chính tiến trình G20. Tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần tới điều đó", ông nói.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết ông muốn tranh thủ vai trò chủ tịch G20 năm nay để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tài chính công bằng cho các quốc gia nghèo hơn. Giống như nhiều quốc gia khác, Nam Phi đang chi cho việc trả nợ nhiều hơn cho y tế.

Nhường chỗ cho Nga, Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chrispin Phiri cho biết, Pretoria nhận được "sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia G20 khác" cho chương trình nghị sự của mình và sẽ "tiếp tục với chủ đề và ưu tiên của chúng tôi", bất chấp phản đối của Mỹ.

Ông Mtimka nói rằng thái độ của Washington có thể sẽ có lợi cho các đối thủ của họ, trao quyền lãnh đạo G20 cho Trung Quốc và Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đóng vai trò trung tâm tại hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây nhất ở Brazil, nơi ông công bố một loạt biện pháp hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi.

Năm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham dự các cuộc họp từ ngày 20-21/2 tại Johannesburg, cùng với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

"Trung Quốc rất coi trọng G20 và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để hỗ trợ công việc của chủ tịch Nam Phi", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết, một số thành viên đã tiếp cận Nga để nêu đề xuất và mong muốn gặp ông Lavrov tại Johannesburg.

Nam Phi giữ chức chủ tịch G20 đến tháng 12, sau đó chuyển giao cho Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh năm nay dự kiến diễn ra vào tháng 11.

Theo Reuters

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/my-khong-du-hoi-nghi-g20-giua-mau-thuan-voi-chu-nha-nam-phi-a155193.html