Đã có hãng bay Việt Nam ký hợp đồng nhưng vì sao chưa khai thác máy bay do Trung Quốc sản xuất?

Trước đó, có một hãng bay Việt Nam đề xuất khai thác máy bay do Trung Quốc sản xuất.

Hồi tháng 12/2024, Vietjet có báo cáo Bộ Giao thông Vận Tải và Cục Hàng không Việt Nam rằng muốn thuê ướt 2 máy bay ARJ21 của Comac để bay chặng Hà Nội/TP HCM - Côn Đảo từ đầu năm 2025.

Theo đó, Vietjet đã ký hợp đồng thuê ướt (thuê cả tàu bay và phi hành đoàn) 2 tàu bay Comac ARJ21 (C909) với Chengdu Airlines dự kiến từ 15/1/2025. Khi đó, Vietjet cho biết hai tàu bay này phục vụ cho cao điểm Tết Âm lịch trên các chặng Hà Nội/TP HCM đi Côn Đảo.

Chengdu Airlines cũng là hãng hàng không đầu tiên nhận và khai thác thương mại tàu ARJ21 từ năm 2016. Đến nay, ARJ21 đã tích luỹ được hàng nghìn giờ bay an toàn.

Tuy nhiên, trong đợt Tết vừa qua, tàu bay Comac ARJ21 (C909) vẫn chưa bay có chuyến bay thương mại nào tại thị trường Việt Nam.

Đã có hãng bay Việt Nam ký hợp đồng nhưng vì sao chưa khai thác máy bay do Trung Quốc sản xuất?- Ảnh 1.

Vietjet đã ký hợp đồng thuê ướt (thuê cả tàu bay và phi hành đoàn) 2 tàu bay Comac ARJ21 (C909) với Chengdu Airlines.

Nói với , lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đang xem xét các quy định liên quan để giải quyết nhu cầu sử dụng máy bay Comac của Vietjet tại Việt Nam. "Quá trình xem xét sẽ rút gọn thời gian nhất có thể. Mốc thời gian phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan phối hợp của các cơ quan, đơn vị ngoài Cục".

Để có thể sớm nhập khẩu máy bay Comac vào khai thác tại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ cho sửa đổi quy định về nhập khẩu máy bay, đồng thời cho phép Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung quy định tại Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng theo trình tự rút gọn.

Trước đó, ngày 8/1, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh đã có buổi làm việc với đại diện nhà sản xuất máy bay Comac. Ông Minh coi trọng và hoan nghênh hợp tác với các doanh nghiệp hàng không của Trung Quốc.

Bộ trưởng Giao thông vận tải đánh giá cao việc hai bên đã thúc đẩy sớm việc hợp tác để có thể đưa 2 tàu bay Comac vào hoạt động trong đội tàu bay của Vietjet tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay theo quy định pháp luật của Việt Nam còn một số quy định chưa thống nhất trong việc nhập khẩu tàu bay vào Việt Nam, do đó để có thể hỗ trợ Vietjet đưa tàu bay Comac vào khai thác, phía Việt Nam cần phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật.

Comac ARJ21 (C909) sử dụng hai động cơ GE CF34-10A của Mỹ; các thiết bị bay, hạ cánh của Liebherr (Đức). ARJ21 có tầm bay từ 2.225 đến 3.700 km. Tàu có thể bố trí cấu hình ghế từ 78 đến 97 chỗ.

Hiện tại có 124 chiếc ARJ21 đang hoạt động, chủ yếu thuộc các hãng bay Trung Quốc.

Tàu bay của Trung Quốc đã có chuyến bay thương mại đầu tiên rời đại lục

Các hãng Trung Quốc đã sử dụng máy bay phản lực này trên nhiều chặng nội địa. Theo Comac, ARJ21 đã phục vụ 13 triệu lượt hành khách.

Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh tay cho hoạt động sản xuất máy bay, nhằm phá vỡ thế thống trị của Boeing và Airbus. Gần đây, họ đẩy mạnh việc quảng bá C919 và COMAC cả ở trong nước và quốc tế.

Đã có hãng bay Việt Nam ký hợp đồng nhưng vì sao chưa khai thác máy bay do Trung Quốc sản xuất?- Ảnh 2.

Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh tay cho hoạt động sản xuất máy bay, nhằm phá vỡ thế thống trị của Boeing và Airbus.

Hãng sản xuất liên tục đưa tàu bay này đi triển lãm như tại Sân bay Quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) hồi năm 2023. Đến 2/2024, C919 tham gia Triển lãm Hàng không Singapore. Ngay sau đó, COMAC cũng đem C919 và ARJ21 đến sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) để tổ chức triển lãm.

Hồi tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã khai trương chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng máy bay C919 do nước này tự sản xuất đến đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Sự kiện được đánh giá là nền tảng quan trọng để đưa C919 vươn tầm quốc tế.

Máy bay C919 do Trung Quốc tự sản xuất cùng 157 hành khách và phi hành đoàn hãng hàng không China Eastern Airlines đã khai trương chuyến bay thương mại đầu tiên từ sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải, đến là sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) vào lúc 8h15 sáng 1/1.

Theo China Eastern Airlines, kể từ chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 28/5/2023, đội bay C919 của China Eastern đã thực hiện hơn 6.600 chuyến bay thương mại và hoàn thành gần 1 triệu chuyến bay chở khách. Đây cũng là hãng bay đầu tiên tiên phong sử dụng máy bay C919 do Trung Quốc tự sản xuất.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/da-co-hang-bay-viet-nam-ky-hop-dong-nhung-vi-sao-chua-khai-thac-may-bay-do-trung-quoc-san-xuat-a155043.html