Dưa mất mùa, rớt giá
Những ngày đầu năm mới, Người Đưa Tin có mặt tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Trên cánh đồng, những quả dưa đến ngày thu hoạch nằm lăn lóc dưới nắng.
Ánh mắt của chủ các trại dưa đầy vẻ buồn bã. Theo những người trồng dưa, thời tiết bất thường và đợt lạnh kéo dài nên quả dưa nhỏ hơn, năng suất kém và giá thu mua thấp, khiến họ phải chịu lỗ nặng.
Trong căn chòi tạm bợ giữa đồng, ông Trần Văn Bình (52 tuổi, quê tỉnh Bình Định) nằm dài trên võng, vẻ mệt mỏi hiện rõ.
Ông Bình nói: "Gần 10 năm nay, mỗi năm tôi đều khăn gói từ Bình Định lên Gia Lai thuê đất trồng dưa. Chưa năm nào tôi thấy tình hình tệ như năm nay. Đợt rét kéo dài khiến ruộng dưa phát triển chậm, quả nhỏ, năng suất chỉ còn khoảng 20-25 tấn/ha. Mọi người cứ nghĩ mất mùa thì giá dưa sẽ cao, ai ngờ giá dưa lại tiếp tục giảm".
Bình quân 1ha dưa, người dân đầu tư chi phí khoảng 160 triệu đồng.
Theo ông Bình, trước Tết, giá dưa hấu còn ở mức 8.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 4.000 đồng/kg. Ruộng dưa của ông đã được thương lái đặt cọc 200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, khi thu hoạch, thương lái lại giảm giá, chỉ trả 160 triệu đồng/ha.
Chỉ tay về phía hơn 6ha đất thuê để trồng dưa, ông Bình thở dài: "Các chú nhìn thấy đấy, dưa đến ngày thu hoạch, nhiều người đành để mặc quả thối. Bao công sức đầu tư, chăm bón, nhưng đến lúc thu hoạch, giá lại quá thấp, thương lái sẵn sàng bỏ cọc nếu không hạ giá. Mọi nỗ lực trong suốt mấy tháng qua giờ chỉ đổi lại những thùng dưa ế đầy. Nếu không bán được, dưa sẽ hỏng hết, trắng tay là điều khó tránh khỏi".
Cả gia đình anh Ksor Út (ngụ xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đang bận rộn thu hoạch dưa bán cho thương lái, nhưng trên gương mặt anh vẫn đầy nỗi lo.
Anh Út chia sẻ: "Tôi là người dân địa phương, quanh năm quen với việc trồng mỳ. Nhưng từ khi thấy người dân Bình Định lên thuê đất trồng dưa, thu nhập khá. Thấy vậy, tôi học hỏi kỹ thuật trồng dưa và thử nghiệm. Mỗi vụ, tôi lãi gần cả trăm triệu, hiệu quả hơn nhiều so với trồng mỳ".
Anh Ksor Út cho biết, thương lái mua quả loại 1 với giá 6.000 đồng/kg, quả loại 2 chỉ 4.000 đồng/kg.
Theo anh Út, đất gia đình có sẵn, không phải bỏ tiền thuê, chỉ tốn chi phí giống, phân bón, công chăm sóc khoảng 130 triệu/ha.
Năm nay, gia đình anh đầu tư diện tích 2ha, nhưng thời tiết bất lợi, quả nhỏ, giá thấp. Thương lái lựa quả đẹp loại 1 mua với 6.000 đồng/kg, còn quả loại 2 chỉ được 4.000 đồng/kg. Nói chung vụ năm nay người nào may mắn lắm thì chỉ được hoà vốn, còn đa phần là lỗ.
Dưa bán hết rồi vẫn không khỏi lo âu
Ông Lê Văn Hoàng (40 tuổi) cũng lâm cảnh tượng tự. Ông Hoàng buồn bã nói: "Mọi năm, đến mùa thu hoạch là xe tải tấp nập vào ruộng thu mua, còn năm nay, dưa nhỏ, ruột nhạt, thương lái chê, ép giá xuống tận đáy".
Giá xuống thấp khiến nhiều chủ vườn không màng thu hoạch.
Cầm quả dưa nhỏ trên tay, ông Hoàng lắc đầu ngao ngán: "Vốn vay mượn, giờ chẳng biết lấy đâu ra tiền để trả. Chăm sóc mấy tháng trời, tưởng sắp thu hoạch được mùa mà giờ nhìn ruộng dưa mà xót xa. Chúng tôi làm nông, chỉ trông chờ vào vụ mùa, nhưng năm nay quả thật trắng tay".
Theo ông Hoàng, đây là năm thứ ba ông trồng dưa và cũng là năm thiệt hại nặng nề nhất. Vụ dưa Tết năm ngoái, ông trồng 2ha, năng suất đạt gần 40 tấn/ha, với giá dưa 6.000 đồng/kg, ông lãi hơn 50 triệu đồng/ha. Trước Tết, ông vay thêm vốn để trồng 6ha dưa trên cánh đồng Ia Sao, nhưng không ngờ năm nay lại vừa mất mùa, lại vừa rớt giá.
"6ha dưa năm nay, tôi chỉ bán được 300 triệu đồng. Nếu tính cả tiền thuê đất, mỗi ha tôi đầu tư hết 160 triệu đồng. Như vậy, gia đình tôi lỗ hơn 600 triệu đồng. Dưa bán hết rồi mà tôi vẫn không sao chợp mắt được vì lo lắng về nợ nần", ông Hoàng nói, ánh mắt đầy lo âu.
Dưa gặp thời tiết khắc nghiệt, rét kéo dài khiến quả nhỏ, năng suất kém.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Hoài Nam, một thương lái thu mua dưa tại huyện Ia Pa, Krông Pa, tỉnh Gia Lai, cho biết, nguyên nhân dưa ế ẩm là do sức mua giảm mạnh sau Tết, quả dưa nhỏ, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nên chỉ có thể tiêu thụ chủ yếu tại thị trường trong nước.
"Vì vậy, tôi và các thương lái khác đều thu mua cầm chừng. Mặc dù trước Tết đã đặt cọc tiền cho các chủ vựa dưa, nhưng do tình hình thị trường không thuận lợi, nhiều thương lái phải đàm phán lại giá cả. Nếu không thỏa thuận được, họ buộc phải bỏ cọc", ông Nam nói.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, vụ Đông Xuân 2024-2025, khu vực Đông Nam tỉnh có khoảng 1.500ha dưa hấu và hiện dưa đang bước vào mùa thu hoạch.
Trao đổi với PV, ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, cho biết: "Năm nay, người dân trong huyện trồng hơn 1.000ha dưa hấu. Mùa vụ năm nay trồng muộn hơn so với các năm trước. Tại huyện Ia Pa, người dân đã trồng sớm và hiện đang vào vụ thu hoạch. Nhưng với giá như hiện nay, người trồng chắc chắn sẽ chịu lỗ".
Theo ông Châu, dưa hấu vốn ưa khí hậu nắng nóng, nhưng năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, trời lạnh kéo dài từ trước Tết đến nay khiến cây dưa phát triển kém và mắc nhiều bệnh. Năng suất bình quân chỉ đạt 15-20 tấn/ha, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, giá dưa hấu sau Tết giảm mạnh, chỉ còn từ 2.000-4.000 đồng/kg.
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/dua-hau-rot-gia-the-tham-sau-tet-nong-dan-mat-an-mat-ngu-vi-no-nan-a154729.html