Xử lý, công khai giáo viên dạy thêm sai quy định

Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm dạy thêm. Các quy định siết hoạt động dạy thêm nhằm bảo đảm sự tôn nghiêm của ngành và của nhà giáo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7-2-2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.

Nhiều quy định siết dạy thêm, học thêm

Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và chủ tịch UBND các tỉnh, thành nêu rõ thời gian qua, công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở một số địa phương còn bất cập, chưa được kịp thời xử lý, làm ảnh hưởng đến các hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Xử lý, công khai giáo viên dạy thêm sai quy định- Ảnh 1.

Việc siết quản lý dạy thêm, học thêm là để bảo đảm sự tôn nghiêm của nhà giáo. Ảnh: TẤN THẠNH

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương hướng dẫn các nhà trường, cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm đã được bộ ban hành. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; yêu cầu xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm theo quy định. Chủ động, thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về dạy thêm, học thêm, bảo đảm phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm với nhiều điểm mới được Bộ GD-ĐT ban hành có hiệu lực từ ngày 14-2. Theo đó, tổ chức, cá nhân dạy thêm có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình dạy trên lớp… nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên "kéo" học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm. Tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí; đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời gian làm việc, an toàn, an ninh, phòng chống cháy nổ...

Còn nhiều băn khoăn

Nhận được nhiều ủng hộ nhưng Thông tư 29 cũng khiến không ít người băn khoăn, thậm chí gây ra những ý kiến trái chiều. Một giáo viên trường tiểu học tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội băn khoăn hiện cô đang dạy một lớp nhỏ 5 học sinh theo đề nghị của phụ huynh. Cô giáo này đặt vấn đề nếu cô mở nhóm nhỏ ở nhà sẽ xếp vào "dạy thêm" hay "quản lý, điều hành dạy thêm"? Bên cạnh đó, giáo viên dạy bao nhiêu học sinh thì phải đăng ký kinh doanh? Nếu giáo viên chỉ kèm 1 - 2 em theo yêu cầu của phụ huynh thì có phải đăng ký kinh doanh không?

Dưới góc độ quản lý, một hiệu trưởng tâm tư nếu dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được phép thu tiền của học sinh thì nguồn kinh phí để trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ lấy từ đâu? Nếu không có nguồn kinh phí cho việc này thì rất khó khăn. Đó là chưa kể giáo viên sẽ kém nhiệt tình khi bỏ thời gian, công sức dạy miễn phí.

Thế nào là dạy thêm, học thêm đúng quy định?

Thông tin thêm về Thông tư 29, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng dạy thêm, học thêm là hoạt động giáo dục liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo và việc học của học sinh. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm ban hành các quy định về quản lý hoạt động này theo luật chuyên ngành cũng như phù hợp với các quy định khác. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những điều vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm; dạy thêm, học thêm không đúng quy định.

Theo ông Thưởng, dạy thêm, học thêm phải không ảnh hưởng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chính khóa trong nhà trường, tức là không được cắt xén, trùng lắp kiến thức. Dạy thêm, học thêm phải phù hợp với lợi ích của học sinh. Tức là không được ép buộc hay có bất cứ hình thức nào để ép buộc.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận những thầy cô chân chính, đủ năng lực, có tâm huyết không bao giờ có những hành vi ép buộc đối với học sinh của mình để dạy học có thu tiền. Vì vậy, việc quy định một cách minh bạch như các quy định tại Thông tư 29 là bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của thầy cô.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương của nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của nhà nước thì không có chuyện dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh. Bộ cũng hướng đến việc xây dựng, từng bước hình thành phương pháp, thói quen tự học của học sinh. 

TP HCM sẽ ban hành quy định về dạy thêm, học thêm

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Thị Diệu Thúy vừa ký văn bản triển khai Thông tư 29/2024 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm.

Theo đó, giao Sở GD-ĐT TP HCM chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm cho các nhà trường, các tổ chức và cá nhân liên quan thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn TP HCM.

UBND TP HCM cũng giao chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng GD-ĐT hướng dẫn, tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm và xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm (nếu có).

UBND cấp xã được giao giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn.

Đ.Trinh


Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/xu-ly-cong-khai-giao-vien-day-them-sai-quy-dinh-a154322.html