Trong hai tuần qua, Elon Musk - người đàn ông giàu nhất thế giới và là đồng minh của Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã tạo ra một trung tâm quyền lực mới tại Washington khi ông bắt đầu thực thi các sáng kiến cắt giảm chi phí và tinh giản bộ máy liên bang Mỹ.
Ông Trump giao cho ông Musk phụ trách Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE). Mặc dù dùng từ “bộ”, ông Musk không nhận lương chính phủ. Hiện chính quyền Trump chưa công bố danh sách và quy mô nhân sự, cách thức trả lương hay nhân viên DOGE có phải công chức không. Và nhân viên DOGE sẽ chịu trách nhiệm trước ai - ông Musk hay ông Trump với tư cách người đứng đầu nhánh hành pháp.
Reuters nhận định hành động của ông Musk châm ngòi cho làn sóng hoảng loạn nội bộ và phản đối công khai tại Washington, đôi khi có khả năng làm lu mờ chương trình nghị sự của chính ông Trump.
Liên tiếp thâu tóm 2 cơ quan và dữ liệu nội bộTuần qua, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước láng giềng Mexico và Canada của ông Trump và nỗ lực đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) của ông Musk thay nhau tranh giành sự chú ý của truyền thông.
Mỹ đang chứng kiến “quyền lực khác thường tập trung ở một cá nhân không có quyền tiếp cận an ninh cấp cao nhất và chưa từng trải qua quá trình xác nhận từ Thượng viện”, theo ông Don Moynihan - giáo sư tại Trường Chính sách công Ford thuộc Đại học Michigan.
Ông Moynihan nhấn mạnh ông chủ Tesla có quyền kiểm soát tập trung và chưa từng có với hệ thống cơ bản của chính phủ.
Tuy nhiên, ông Musk được cho là hoạt động theo ý muốn của ông Trump. Tổng thống Mỹ cho biết vị tỉ phú phải xin phép Nhà Trắng trước khi làm bất cứ điều gì.
"Elon không thể làm và sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không có sự chấp thuận của chúng tôi. Chúng tôi sẽ chấp thuận nếu cần thiết và không chấp thuận nếu không cần thiết" - ông Trump nói.
Song khi hỏi một nhân viên của Cơ quan Quản lý Tài sản và Dịch vụ liên bang (GSA) lo lắng về ai nếu nghĩ tới viễn cảnh bị sa thải, họ đáp: “Musk. Không ai thực sự bàn luận về Tổng thống Trump”.
Nhiều công đoàn, tổ chức giám sát và nhóm lợi ích công đã đệ đơn kiện việc thành lập DOGE.
Tuần qua, ông Musk cùng DOGE đã tiếp quản Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) và GSA cùng hệ thống máy tính của 2 cơ quan này. OPM là bộ phận nhân sự của chính phủ Mỹ giám sát 2,2 triệu nhân viên chính phủ, trong khi GSA theo dõi hầu hết hợp đồng của chính phủ và quản lý tài sản liên bang.
Tất cả nhân viên chính phủ gần đây nhận được một email mang tiêu đề "Ngã ba đường", trong đó đề nghị họ quyết định tự nguyện thôi việc trước ngày 6-2 (giờ địa phương) và sẽ nhận được trợ cấp tới hết tháng 9. Email thứ hai khuyến khích nhân viên chính phủ tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực tư nhân.
Các công đoàn đang kêu gọi người lao động không nhận lời đề nghị này, cảnh báo bước đi này có thể bất hợp pháp vì chưa rõ số tiền trợ cấp sẽ lấy từ nguồn nào. Họ cũng đệ đơn kiện hôm 4-2 để ngăn chặn kế hoạch, trong khi một nguồn tin tiết lộ có khoảng 20.000 cá nhân dự định thôi việc.
Ngoài ra, hôm 31-1, DOGE có quyền truy cập hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính Mỹ, bộ phận chịu trách nhiệm gửi hơn 6.000 tỉ USD mỗi năm thay mặt cho các cơ quan và chứa thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ nhận thanh toán an sinh xã hội, hoàn thuế và các khoản tiền khác từ chính phủ.
Michael Linden - quan chức cấp cao trong chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden tại Văn phòng Quản lý và Ngân sách, cơ quan giám sát ngân sách liên bang - cho biết việc DOGE tiếp cận các hệ thống thanh toán mang lại cho họ nhiều quyền lực tiềm tàng.
"Họ có thể chọn và quyết định những khoản thanh toán nào thực hiện bởi chính phủ liên bang” - ông Linden nói.
Vượt quá quyền hạn?Các chuyên gia nhận định ông Musk dường như đã vượt quá quyền hạn theo lệnh hành pháp ký vào hôm 20-1. Sắc lệnh yêu cầu DOGE hiện đại hóa công nghệ và phần mềm liên bang "để tối đa hóa hiệu quả và năng suất chính phủ".
Các sắc lệnh về đóng băng tuyển dụng hoặc tuyển dụng nhân sự chỉ ra DOGE cần hợp tác và đưa ra khuyến nghị với các cơ quan.
Ông Musk và các trợ lý dường như đang hành động xa hơn.
DOGE gần đây tranh cãi với các quan chức an ninh về quyền truy cập thông tin nhạy cảm tại trụ sở chính của USAID ở Washington, đồng thời can thiệp sâu nhằm thu hẹp quy mô cơ quan này.
Những người chỉ trích, bao gồm cả các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ, cáo buộc ông Musk thâu tóm chính phủ. Các công đoàn đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn ông Musk truy cập vào các hệ thống nhạy cảm.
"Chúng ta không có nhánh thứ tư mang tên Elon Musk" - Hạ nghị sĩ Jamie Raskin từ Maryland nói trong cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở USAID.
Ông Nick Bednar - phó giáo sư luật tại Trường Luật Đại học Minnesota - lo ngại khi ông Musk cùng các trợ lý có quyền lực to lớn với nhân sự và khoản thanh toán liên bang. Ông Bednar cũng chỉ ra sự khác thường khi ông Musk - người sở hữu các công ty có hợp đồng với chính phủ Mỹ - lại trong vị thế có nguy cơ nảy sinh xung đột lợi ích.