Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về dự án 'xoay chuyển tình thế'

Trả lời báo Tiền Phong về đầu tư công, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nói năm 2025 phải tập trung nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, xử lý nghiêm thông thầu, bán thầu...

- Thưa Bộ trưởng, đầu tư công đã tác động tích cực thế nào với nền kinh tế trong bối cảnh đầy thách thức của giai đoạn 2021-2025?

Đầu tư công đã phát huy tốt vai trò là một động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: Nguồn lực đầu tư công được bố trí có trọng tâm, trọng điểm để triển khai nhiệm vụ lớn, tạo ra đột phá về hạ tầng. Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã dành 30% tổng vốn ngân sách trung ương để triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm, đường cao tốc liên kết vùng.

Đến nay, cả nước đã hoàn thành trên 2.000km đường cao tốc, phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ đạt khoảng 3.000km; cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên; hoàn thành luồng vào cảng Cái Mép - Thị Vải… Quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công vừa qua đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.

- Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm nay là 790.727 tỷ đồng , ông có thể cho biết cơ sở nào để lượng vốn lớn như vậy được giải ngân và đầu tư công tiếp tục là động lực tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về dự án 'xoay chuyển tình thế'- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Như Ý.

Những năm vừa qua, Chính phủ có nhiều chỉ đạo và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cơ bản được tháo gỡ. Năm nay, để vốn đầu tư được giải ngân, đầu tư công tiếp tục phát huy tốt vai trò là động lực tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế, cần tập trung vào một số định hướng và giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất , triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Quốc hội quyết nghị kế hoạch đầu tư công với số vốn 790.727 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2024 khoảng hơn 100.000 tỷ đồng. Vì vậy, cần sớm đưa nguồn vốn vào nền kinh tế, thông qua một số giải pháp như phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án theo kế hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra...

Thứ hai, là năm bản lề chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, do đó năm nay phải tập trung nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, nhất là các dự án mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái của đất nước, như: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các dự án đường sắt kết nối quốc tế, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, cảng biển trung chuyển quốc tế (Nam Đồ Sơn - Hải Phòng, Liên Chiểu - Đà Nẵng, Cần Giờ - TPHCM)... Các bộ, ngành cần chủ động, nâng cao hơn nữa chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, tạo tiền đề để thực hiện dự án nhanh chóng...

Thứ ba, năm “về đích” của các dự án hạ tầng trọng điểm như dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Các bộ, cơ quan lưu ý đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về dự án 'xoay chuyển tình thế'- Ảnh 2.

Năm 2025, dành ưu tiên cho các dự án đường sắt kết nối quốc tế, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Ảnh: Như Ý.

- Làm thế nào để vừa giải ngân đầu tư công với lượng vốn đặc biệt lớn theo đúng kế hoạch mà vẫn tránh được thất thoát, hạn chế tiêu cực, thưa Bộ trưởng?

Luật Đấu thầu năm 2023 quy định nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đấu thầu, nâng cao hiệu quả đấu thầu theo hướng: Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu qua việc yêu cầu công khai tất cả thông tin trong đấu thầu, nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan; hạn chế gian lận làm cơ sở loại bỏ nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong thực tế; bổ sung quy định về nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra cạnh tranh không bình đẳng;

Để giải quyết tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đấu thầu, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, hoàn thiện, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu theo hướng đơn giản hóa, chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, phân cấp, phân quyền;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xây dựng , hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý đấu thầu, đảm bảo minh bạch, thống nhất, đúng thẩm quyền; tăng đấu thầu qua mạng, công khai trong đấu thầu, đặc biệt là công khai danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu, góp phần hạn chế dần tình trạng bán thầu, gian lận, thông thầu .

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên về đấu thầu, nhằm phát hiện hạn chế, thiếu sót, vi phạm để xử lý nghiêm và kịp thời.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/bo-truong-nguyen-chi-dung-noi-ve-du-an-xoay-chuyen-tinh-the-a153381.html