Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2025

Dự báo thời tiết sai sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng, không phân loại rác có thể bị từ chối thu gom... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2025.

Xóa bất cập bù chéo, đưa giá bán điện theo cơ chế thị trường

Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2. Điểm nhấn quan trọng của Luật Điện lực (sửa đổi) là việc giá bán điện sẽ thực hiện theo cơ chế thị trường và tiến tới xóa bù chéo trong giá điện.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2025- Ảnh 1.

Giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường. (Ảnh: EVN)

Theo quy định, giá điện và giá dịch vụ về điện sẽ được bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý.

Theo đó, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh và giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.

Luật mới cũng quy định về thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định.

Với các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng quy định.

Dự báo thời tiết sai bị phạt tới 100 triệu

Từ ngày 1/2, Nghị định 155/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, có hiệu lực, đặt ra những quy định mới nhằm quản lý chặt chẽ hơn việc dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng với tổ chức.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2025- Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia làm công tác dự báo về diễn biến cơn bão Yagi hồi tháng 9/2024. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cụ thể, phạt tiền 15 - 20 triệu đồng với hành vi: Thực hiện không đúng phạm vi hoạt động dự báo, cảnh báo theo nội dung giấy phép; cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo cho đối tượng không đúng theo nội dung giấy phép; sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy phép.

Phạt tiền 25 - 30 triệu đồng với hành vi: Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không có giấy phép; hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn khi giấy phép đã hết hạn từ 6 tháng trở lên.

Phạt tiền 30 - 50 triệu đồng với hành vi: Cố ý cung cấp sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; cố ý vi phạm quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Phạt tiền 30 - 40 triệu đồng với hành vi: Không truyền, phát bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn; gian lận về nguồn gốc bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn khi truyền, phát; truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn; cố ý đưa tin sai lệch về hoạt động dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn...

Nghị định của Chính phủ cũng đề cập đến các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn 1 - 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện đã sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Không phân loại rác có thể bị từ chối thu gom

Nội dung này được quy định trong Thông tư số 35/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, có hiệu lực từ ngày 3/2.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2025- Ảnh 3.

Từ ngày 3/2, người dân không phân loại rác thải có thể bị từ chối thu gom.

Theo đó, người thu gom có thể từ chối tiếp nhận chất thải không phân loại, không sử dụng bao bì, thùng chứa theo quy định của chính quyền địa phương hoặc giao chất thải không đúng chủng loại theo lịch trình đã công bố đồng thời phản ánh đến người có thẩm quyền trong đơn vị công tác để có biện pháp xử lý, quản lý theo quy định.

Đối với chất thải nguy hại, cần kiểm tra điều kiện an toàn cháy, nổ, phòng chống đổ tràn, rơi vãi chất thải nguy hại trước khi di chuyển phương tiện đến điểm thu gom tiếp theo.

Bên cạnh đó, thông tư cũng khuyến khích đầu tư đổi mới các mô hình công nghệ giải pháp kỹ thuật tiên tiến hiện đại thân thiện môi trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả

Thông tư số 58/2024 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 14/2 đưa ra các quy định chi tiết về xử lý tiền giả và tiền nghi giả trong ngành ngân hàng.

Theo đó, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi giả, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an trên tiền thật (hoặc tiền mẫu) cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố, đối chiếu với thông báo về đặc điểm nhận biết tiền giả của Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an.

Trường hợp khẳng định là loại tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Công an thông báo bằng văn bản, đơn vị phải thực hiện thu giữ, lập biên bản theo mẫu quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, đóng dấu và bấm lỗ tiền giả. Việc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả thực hiện theo quy định.

Trường hợp xác định là tiền giả loại mới phải thực hiện thu giữ và lập biên bản theo mẫu nhưng không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; tiền giả loại mới; có 5 tờ tiền giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) hoặc nhiều hơn trong một giao dịch. Khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả…

Tư vấn bảo hiểm không rõ ràng bị phạt 100 triệu

Các quy định mới liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực bảo hiểm được nêu tại Nghị định 174/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2.

Mức xử phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm.

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2025- Ảnh 4.

Tư vấn mập mờ, ép khách mua bảo hiểm sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng.

Hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua sẽ bị xử phạt tiền 60 - 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Doanh nghiệp cũng bị xử phạt mức tiền 60 - 100 triệu đồng nếu không cung cấp tài liệu hợp lệ trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm, không cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng, hoặc có hành vi đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết của các hợp đồng bảo hiểm chưa hết thời hạn hợp đồng tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm; buộc giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua.

Nghị định 174/2024 của Chính phủ cũng quy định mức xử phạt hành vi gian lận bảo hiểm như thông đồng với người thụ hưởng để bồi thường trái pháp luật, giả mạo tài liệu hoặc tự gây thiệt hại để hưởng quyền lợi bảo hiểm. Mức phạt 20 - 200 triệu đồng, tùy theo số tiền chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Đồng thời, đối tượng vi phạm phải hoàn trả số tiền chiếm đoạt.

Đối với hành vi quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt 80 - 100 triệu đồng.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-22025-a153079.html