Cuộc sống "mê hoặc" tại nơi hẻo lánh nhất thế giới

Một ngày bình thường ở quần đảo Svalbard - Na Uy rất khác biệt: Thưởng thức cà phê dưới ánh cực quang, mặt trời lúc nửa đêm hoặc với tuần lộc.

Sâu bên trong Vòng Bắc Cực, ẩn mình giữa những tảng băng khổng lồ và dưới các dòng băng trôi vùng cực, nhiếp ảnh gia kiêm nhà sáng tạo nội dung người Thụy Điển Cecilia Blomdahl đã tìm thấy sự ấm áp mạnh mẽ.

Quần đảo Svalbard nằm gần giữa bờ biển phía Bắc của Na Uy và Bắc Cực, là nơi có các khu định cư lâu dài ở cực Bắc của thế giới. Cô Blomdahl chuyển đến Svalbard vào năm 2015, hiện sống tại thảnh phố lớn nhất là Longyearbyen.

Svalbard hiện có khoảng 2.500 cư dân. Người dân từ khoảng 50 quốc gia sinh sống ở đây, làm việc trong những lĩnh vực như nghiên cứu khoa học và du lịch theo mùa. Tại đây, những cabin đầy màu sắc nổi bật trên nền chỏm băng khổng lồ, trong khi các hiện tượng thiên văn rực rỡ thắp sáng bầu trời.

Cuộc sống "mê hoặc" tại nơi hẻo lánh nhất thế giới- Ảnh 1.
Cuộc sống "mê hoặc" tại nơi hẻo lánh nhất thế giới- Ảnh 2.

Quần đảo Svalbard - Na Uy là nơi có các khu định cư lâu dài ở cực Bắc của thế giới. Ảnh: Cecilia Blomdahl

Cảm giác phiêu lưu

Tại Svalbard, cô Blomdahl ghi lại cuộc sống độc đáo của mình cho hàng triệu người theo dõi say mê trên mạng xã hội. "Khi sống ở đây, bạn thực sự đắm chìm vào thiên nhiên yên tĩnh và thanh bình. Việc gần gũi với thiên nhiên mỗi ngày thật là mê hoặc" - cô nói với đài CNN.

Nguồn tài nguyên phong phú của quần đảo, như cá, khí đốt và khoáng sản, từng là chủ đề tranh chấp về kinh tế và ngoại giao. Ngày nay, nơi này chứng kiến sự phát triển mạnh về hoạt động kinh tế và nghiên cứu khoa học. Đối với khách du lịch, đây là một điểm đến đáng mơ ước trong danh sách phải trải nghiệm.

Longyearbyen vẫn đảm bảo cung cấp những gì mà hầu hết thành phố khác đang có, như sân bay, bệnh viện và trường học. Dù vậy, với cô Blomdahl, cuộc sống ở đó không hề dễ dàng. Nhiệt độ thỉnh thoảng giảm xuống còn - 34,4 độ C và mang đến cảm giác giá rét. Những chú gấu hoặc cáo Bắc Cực thỉnh thoảng lang thang trên đường phố địa phương.

"Mỗi ngày đều mang đến cảm giác phiêu lưu. Sẽ có lúc điên rồ, hoang dã hoặc chỉ là một ngày bình thường. Nhưng một ngày bình thường ở đây lại rất khác; đó là thưởng thức cà phê dưới ánh cực quang, mặt trời lúc nửa đêm, hoặc với tuần lộc" - cô Blomdahl nhận định.

Cuộc sống "mê hoặc" tại nơi hẻo lánh nhất thế giới- Ảnh 3.

Ảnh: Cecilia Blomdahl

Điều gì thúc đẩy người ta chuyển đến sinh sống ở một nơi xa xôi như vậy trên thế giới?

Theo các chuyên gia về khoa học hành vi, nhiều người tìm kiếm điều kiện khắc nghiệt vì mong muốn thử thách giới hạn thể chất và tinh thần của bản thân, trốn tránh khỏi các vấn đề cá nhân hoặc sự tẻ nhạt của cuộc sống hàng ngày, hoặc chỉ đơn giản là vì cảm giác hồi hộp.

Đối với cô Blomdahl, chỉ cần một lần chiêm ngưỡng khung cảnh vô song của Svalbard cũng đủ để cô từ bỏ tham vọng sự nghiệp tại Anh và Thụy Điển. “Mọi thứ ở đây đều tinh khiết và đẹp đến mức bạn sẽ nghĩ rằng đó là một điều kỳ diệu, bởi vì nó quá phi thực tế" - cô giải thích.

Trên các kênh mạng xã hội của mình, cô Blomdahl cho người xem thấy tận mắt cách môi trường ở Svalbard định hình cuộc sống hàng ngày của mình. Chẳng hạn như việc mang theo thiết bị bảo vệ khỏi gấu Bắc Cực khi ra ngoài khu định cư không chỉ cần thiết mà còn là điều bắt buộc theo luật.

Cuộc sống "mê hoặc" tại nơi hẻo lánh nhất thế giới- Ảnh 4.

Những cư dân tại Svalbard phải mang theo thiết bị bảo vệ trước gấu Bắc Cực. Ảnh: Cecilia Blomdahl

Cuộc sống "mê hoặc" tại nơi hẻo lánh nhất thế giới- Ảnh 5.

Ảnh: Cecilia Blomdahl

Hai giai đoạn ánh sáng đặc biệt

Một năm ở Svalbard được đánh dấu bởi hai giai đoạn ánh sáng đặc biệt: đêm vùng cực và mặt trời lúc nửa đêm. Đêm vùng cực kéo dài từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 1, khi mặt trời không mọc lên trên đường chân trời.

Giai đoạn mặt trời lúc nửa đêm kéo dài khoảng 18 tuần, từ tháng 4 đến tháng 8. Đó là khi mặt trời không lặn dưới đường chân trời.

Những giai đoạn sáng liên tục và bóng tối kéo dài cả ngày này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm trí con người. Cô Blomdahl nhớ lại cảnh bạn bè bị mất phương hướng vì đêm vùng cực, thấy mình đi làm vào giữa đêm, thay vì vào những giờ ban ngày mà trời cũng tối đen.

Cuộc sống "mê hoặc" tại nơi hẻo lánh nhất thế giới- Ảnh 6.

Svalbard đang đối mặt với tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu. Ảnh: Cecilia Blomdahl

Cuộc sống "mê hoặc" tại nơi hẻo lánh nhất thế giới- Ảnh 7.

Ảnh: Cecilia Blomdahl

Những điều kiện sống bất thường như vậy có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe con người. Dù tổng thể, sức khỏe và chất lượng cuộc sống ở Svalbard vẫn được đánh giá tích cực, nhưng đêm vùng cực và mặt trời lúc nửa đêm có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ-thức, hàm lượng protein trong máu và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.

Mặc dù đã bổ sung vitamin, cô Blomdahl cho biết vẫn nhận thấy sự suy giảm về vitamin D, loại vitamin hỗ trợ sức khỏe miễn dịch và hoạt động tế bào não.

Một vấn đề khác là tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với khu vực này.

Các nghiên cứu cho thấy Longyearbyen đang ấm lên nhanh gấp sáu lần so với mức trung bình toàn cầu. Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu cùng mực nước biển dâng đang đe dọa đến nền kinh tế và cơ sở hạ tầng địa phương. Các nghiên cứu tại những cộng đồng khác ở Bắc Cực cũng cho thấy mối tương quan giữa biến đổi khí hậu và mức độ căng thẳng tâm lý cao hơn.

Với cô Blomdahl, tinh thần lạc quan và tình yêu dành cho Svalbard giúp cô bớt lo lắng. Thay vào đó, cô cho biết chỉ tập trung vào sáng tạo nội dung về cuộc sống ở một nơi độc đáo trên Trái đất.

"Đó chính là điều tôi muốn làm. Tôi muốn tiếp tục giới thiệu vẻ đẹp của Bắc Cực. Tôi chỉ muốn cho mọi người thấy Svalbard như nó vốn có" - cô nói thêm.

Cuộc sống "mê hoặc" tại nơi hẻo lánh nhất thế giới- Ảnh 8.

Ảnh: Cecilia Blomdahl

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/cuoc-song-me-hoac-tai-noi-heo-lanh-nhat-the-gioi-a152274.html