EU còn lâu mới bỏ được khí đốt giá rẻ của Nga, liệu còn ‘cứu tinh’ nào khác cho ‘lục địa già’?

Cho đến nay, EU vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga bất chấp nỗ lực 'cai nghiện' nhiên liệu giá rẻ của Moscow.

EU còn lâu mới bỏ được khí đốt giá rẻ của Nga, liệu còn ‘cứu tinh’ nào khác cho ‘lục địa già’?- Ảnh 1.

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mạnh nhập khẩu khí đốt Nga kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra năm 2022, nhưng phần lớn mức giảm đó liên quan đến khí đốt qua đường ống.

Trong khi đó, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vẫn chảy sang EU, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024. Theo Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), lượng LNG mà EU nhập khẩu Nga đạt 7,54 tỷ USD trong năm ngoái, tăng 14% so với năm 2023.

Theo đơn vị cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler, 27 quốc gia thành viên EU đã nhập khẩu khoảng 838.000 tấn LNG từ Nga tính trong nửa đầu tháng 1, tăng so với 760.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Những dữ liệu trên cho thấy châu Âu vẫn phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga.

Cho đến nay, EU là khách hàng mua LNG của Nga lớn nhất thế giới, bỏ xa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc EU vẫn thống trị thị trường nhập khẩu khí đốt Nga đã làm dấy lên những lời chỉ trích mới từ các nhà hoạt động. Họ cho rằng đã đến lúc khối này phải giảm hoặc ngừng nhập khẩu hoàn toàn.

Isaac Levi, chuyên gia phân tích của CREA, cho rằng EU cần phải “tiếp cận vấn đề một cách chủ động hơn” và “tích cực thực hiện” các biện pháp ngăn các nước thành viên mua LNG của Nga. “Nếu không, EU có thể chứng kiến lượng nhập khẩu ngày càng tăng”, ông nói.

EU chưa bao giờ chính thức áp dụng bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với khí đốt của Nga. Trong những ngày gần đâ, đã có thông tin cho rằng rằng khối này đang cân nhắc nhắm tới LNG trong vòng trừng phạt tiếp theo của. Lệnh cấm LNG của Nga có thể buộc châu Âu phải tìm tới nhà cung cấp mới thay thế.

Tháng 12/2024, Ủy viên năng lượng mới của EU, Dan Jørgensen, cho biết mục tiêu của ông là loại bỏ toàn bộ năng lượng của Nga khỏi châu Âu, bao gồm LNG, vào năm 2027. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù có một số hạn chế về nguồn cung, đây là một mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được.

Ed Cox, chuyên gia phân tích thị trường LNG toàn cầu của ICIS nhận định: “EU có thể bù đắp sự thiếu hụt khí đốt Nga bằng cách tăng nhập khẩu từ Mỹ và Qatar. Muộn nhất là vào năm 2027, LNG của Nga có khả năng bị thay thế hoàn toàn”.

Levi cho rằng nhiều quốc gia châu Âu vẫn sẽ bị thu hút bởi LNG giá rẻ của Nga. Tuy nhiên, ông tin rằng EU có thể chấm dứt sự phụ thuộc trong tương lai gần. Điều này “phụ thuộc vào ý chí chính trị” của khối.

Vẫn chưa rõ tương lai nguồn cung khí đốt cho EU sẽ như thế nào và liệu lệnh trừng phạt LNG Nga có hiệu quả không. Nhưng trước mắt, EU đang phải vật lộn để tìm nguồn cung khí đốt, bất chấp giá cả đắt đỏ hơn.

Tham khảo: DW

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/eu-con-lau-moi-bo-duoc-khi-dot-gia-re-cua-nga-lieu-con-cuu-tinh-nao-khac-cho-luc-dia-gia-a151917.html