Bộ NN&PTNT: Giá cả ổn định, hàng hóa dồi dào dịp Tết Nguyên đán

Bộ NN&PTNT dự báo, mức chi tiêu của người dân năm nay không tăng đột biến, bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay là đơn giản, tiết kiệm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2025 tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Trà Vinh, kiểm tra 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Các đơn vị chuyên môn của Bộ đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản. Các địa phương đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 512 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 67 cơ sở, chiếm 13% với tổng số tiền 514,32 triệu đồng.

Bộ NN&PTNT: Giá cả ổn định, hàng hóa dồi dào dịp Tết Nguyên đán- Ảnh 1.

Bộ NN&PTNT dự báo, mức chi tiêu của người dân năm nay không tăng đột biến, bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay là đơn giản, tiết kiệm.

Trong tháng 1/2025, Bộ tiếp tục duy trì các chương trình giám sát ATTP, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương tổ chức lấy mẫu nông lâm thủy sản để giám sát các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Kết quả đã lấy 1.021 mẫu giám sát và phát hiện 06 mẫu vi phạm, chiếm 0,58% (tăng 0,17% so với cùng kỳ tháng 01/2024). Các trường hợp vi phạm đã được xử lý theo đúng quy định.

Đối với tình hình thị trường, cung - cầu và kiểm soát hàng hóa trong dịp Tết, Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 1/2025, giá cả hàng hóa trong nước tương đối ổn định, nguồn cung cho dịp Tết nguyên đán được đảm bảo. Giá gạo biến động tăng (gạo 25% và 5% tấm tăng 1.000 đồng/kg), giá lúa giảm nhẹ (giảm 997 đồng/kg).

Nhìn chung, nguồn cung hàng nông sản tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, dự báo mức chi tiêu của người dân năm nay không tăng đột biến, bởi xu hướng tiêu dùng hiện nay là đơn giản, tiết kiệm.

Bộ Y tế hướng dẫn cách bảo quản thực phẩm Tết

Về giá lúa, giá thu mua lúa tại các tỉnh ĐBSCL giao dịch chậm, nông dân chào bán lúa cắt trước Tết nhưng ít người mua, giá một số loại lúa giảm so với tháng trước, cụ thể: Lúa IR 50404 (tươi) giảm 700 đồng/kg, dao động từ 5.500- 5.700 đồng/kg, lúa OM 5451 giảm 700 đồng/kg, dao động từ 5.800 - 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá lúa giảm là do nguồn cung lúa gạo toàn cầu dồi dào, đặc biệt từ các đối thủ lớn như Ấn Độ và Thái Lan.

Tính đến ngày 20/01/2025, giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi ghi nhận mức giảm nhẹ vào ngày 21/1/2025, tại các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình giảm 1.000 đồng/kg, đưa giá thu mua về mức 68.000 đồng/kg. Yên Bái, Nam Định 67.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất 69.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hà Nội và Bắc Giang.

Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đưa giá thu mua về mức 67.000 đồng/kg. Các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định dao động ở mức 66.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi duy trì trong khoảng 61.800 – 69.000 đồng/kg. Các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Tây Ninh Đồng Tháp ghi nhận mức giá cao nhất 69.000 đồng/kg, Đồng Nai 67.300 đồng/kg. Mức giá thấp nhất tại Tiền Giang 61.800 đồng/kg.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/bo-nnptnt-gia-ca-on-dinh-hang-hoa-doi-dao-dip-tet-nguyen-dan-a151885.html