Tổng công trình sư về vũ khí Bộ Quốc Phòng, Công an có thể nhận mức lương 220 triệu đồng/tháng từ 1/7?

Bộ Quốc phòng đề xuất mức lương cho chuyên gia là 70 triệu đồng, nhà khoa học đầu ngành là 180 triệu và tổng công trình sư nhận lương tối đa 220 triệu đồng khi hoạt động trong lĩnh vực này.

Trong 2 tháng 11 và 12 năm 2024, Bộ Quốc phòng đã lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định một số chính sách đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh (CNAN) nòng cốt và chế độ, chính sách đối với người lao động trong các đơn vị này. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Đáng chú ý, tại Điều 20 trong dự thảo có đề xuất mức tối đa tiền lương của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước lên đến 220 triệu đồng/tháng.

Theo đó, mức tiền lương tối đa theo tháng của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh tại cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt quy định bằng 70 triệu đồng áp dụng đối với chuyên gia; 180 triệu đồng áp dụng đối với nhà khoa học đầu ngành và 220 triệu đồng áp dụng đối với tổng công trình sư.

Tổng công trình sư là người đứng đầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt phục vụ quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, trường hợp pháp luật có quy định mức lương cao hơn mức lương tương ứng đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư thì áp dụng mức lương cao hơn hoặc áp dụng theo nguyện vọng của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư.

Tại Điều 7 của dự thảo cũng nêu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt được thuê và quyết định mức chi trả lương, thưởng, lợi ích, giá trị hợp đồng trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư phù hợp với mặt bằng tiền lương theo ngành, nghề, lĩnh vực công việc tương ứng trên thị trường và được xác định là chi phí hợp lý, hợp lệ.

Tổng công trình sư về vũ khí Bộ Quốc Phòng, Công an có thể nhận mức lương 220 triệu đồng/tháng từ 1/7?- Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học bộ quốc phòng Việt Nam đã và đang sản xuất chế tạo nhiều loại vũ khí, khí tài... - Ảnh: Sơn Dương

Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay có 79 cơ sở công nghiệp quốc phòng (CNQP) nòng cốt, trong đó có 64 cơ sở CNQP nòng cốt là doanh nghiệp và 15 cơ sở CNQP nòng cốt không phải là doanh nghiệp. 

CNQP nước ta đang tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức, các cơ sở CNQP nòng cốt đã cơ bản có đủ năng lực để từng bước phát triển và làm chủ công nghệ, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế, khó khăn.

Chính sách thu hút, thuê chuyên gia nước ngoài còn một số bất cập

Theo Bộ Quốc phòng, các chế độ, chính sách về tuyển dụng, tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực CNQP, an ninh, đặc biệt là lao động tay nghề cao, các chuyên gia, cán bộ đầu ngành về kỹ thuật, công nghệ còn mang nặng tính bình quân, chưa tạo được sức hút.

Thu nhập hàng tháng theo kết quả sản xuất kinh doanh của người lao động thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động thuần sản xuất kinh tế, chưa tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động, công việc có tính chất đặc thù, độc hại, nguy hiểm, gây thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao do không bảo đảm tính cạnh tranh.

Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút, khuyến khích đối tượng là nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia phát triển CNQP, an ninh.

Tổng công trình sư về vũ khí Bộ Quốc Phòng, Công an có thể nhận mức lương 220 triệu đồng/tháng từ 1/7?- Ảnh 2.

Cán bộ, kỹ sư Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi về các sản phẩm khoa học - Ảnh: QĐND

Chính sách thu hút, thuê chuyên gia nước ngoài của các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt còn một số bất cập, vướng mắc về thủ tục cấp giấy phép lao động; quy trình thẩm định, lựa chọn chuyên gia phức tạp, kéo dài… 

Thực tế số lượng chuyên gia nước ngoài được các cơ sở CNQP nòng cốt chủ động thu hút, tự triển khai các thủ tục thuê theo hợp đồng là rất hạn chế (chuyên gia chủ yếu tham gia theo các dự án tiếp nhận chuyển giao công nghệ của Bộ Quốc phòng).

Được biết, mức lương tối đa chi trả cho thuê chuyên gia trong nước hiện nay dao động 15-40 triệu đồng/tháng. "Mức lương này không đủ hấp dẫn để thu hút, thuê chuyên gia giỏi thực hiện các dự án, nhiệm vụ đặc thù của công nghiệp quốc phòng, an ninh", tờ trình dự thảo của Bộ Quốc phòng nêu.

Từ đó, Bộ Quốc phòng cho rằng cần thiết phải xây dựng, ban hành Nghị định quy định một số chính sách đối với cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt và chế độ, chính sách đối với người lao động trong cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN nòng cốt để phù hợp với Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp, đồng thời kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong hoạt động CNQP, an ninh.


Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/tong-cong-trinh-su-ve-vu-khi-bo-quoc-phong-cong-an-co-the-nhan-muc-luong-220-trieu-dongthang-tu-17-a151780.html