Chỉ sau khoảng 12 giờ đồng hồ, TikTok đã vừa “hồi sinh” tại Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết rằng các công ty phân phối và lưu trữ nền tảng này sẽ không bị chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm lệnh cấm tại Mỹ, bắt đầu có hiệu lực từ chủ nhật (giờ Mỹ).
"Với sự đồng thuận từ các nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi, TikTok đang trong quá trình khôi phục dịch vụ", công ty tuyên bố vào chiều chủ nhật. "Chúng tôi cảm ơn Tổng thống đắc cử Trump vì đã mang lại sự rõ ràng và đảm bảo cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ của chúng tôi rằng họ sẽ không bị xử phạt khi cung cấp dịch vụ cho TikTok".
TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance của Trung Quốc, cho biết sẽ hợp tác với ông Trump để tìm ra “giải pháp lâu dài nhằm giữ TikTok ở Mỹ”.
Phiên bản web của TikTok đã hoạt động tại Mỹ vào chiều chủ nhật, nhưng ứng dụng này không khả dụng vài giờ sau đó và không xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google.
Apple thông báo rằng người dùng không thể tải xuống TikTok từ cửa hàng ứng dụng của họ và người dùng hiện tại cũng không thể cập nhật ứng dụng. “Apple có trách nhiệm tuân thủ các luật pháp tại các khu vực mà công ty hoạt động”, đại diện Apple cho biết.
Apple và Google không trả lời yêu cầu bình luận.
Tổng thống đắc cử Trump tuyên bố sẽ ban hành lệnh hành pháp vào thứ hai để đảm bảo rằng các công ty hỗ trợ TikTok duy trì hoạt động sẽ không bị chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm lệnh cấm do Quốc hội thông qua.
TikTok đã tạm ngừng dịch vụ vào cuối tuần qua trước thời hạn chủ nhật theo luật yêu cầu ByteDance bán ứng dụng video này nhằm tránh lệnh cấm tải xuống trên các cửa hàng ứng dụng.
Từ nửa đêm thứ bảy, các công ty như Apple, Google và Oracle – những đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây cho TikTok – bị cấm cung cấp dịch vụ phân phối hoặc lưu trữ ứng dụng và đối mặt với mức phạt 5.000 USD mỗi người dùng. Oracle từ chối bình luận.
“Tôi kêu gọi các công ty đừng để TikTok bị gián đoạn hoạt động!”, ông Trump viết trên nền tảng Truth Social vào chủ nhật.
“Tôi sẽ ban hành lệnh hành pháp vào thứ hai để kéo dài thời gian trước khi các lệnh cấm của luật có hiệu lực, nhằm đạt được thỏa thuận bảo vệ an ninh quốc gia”, Tổng thống đắc cử cho biết.
Mike Waltz, một nghị sĩ bang Florida, người sẽ trở thành cố vấn an ninh quốc gia khi ông Trump nhậm chức nói với CNN rằng Tổng thống đắc cử sẽ xem xét việc cho phép Trung Quốc tiếp tục sở hữu TikTok nhưng với “các bức tường lửa” nhằm đảm bảo dữ liệu của ứng dụng được “bảo vệ trên lãnh thổ Mỹ”.
Trong bài đăng trên Truth Social, ông Trump cho biết ông muốn Mỹ “sở hữu 50% cổ phần trong một liên doanh”.
“Bằng cách này, chúng tôi cứu TikTok, giữ trong tay an toàn và cho phép ứng dụng này tiếp tục hoạt động”, ông Trump nói. “Nếu không có sự phê duyệt của Mỹ, sẽ không có TikTok. Với sự phê duyệt của chúng tôi, ứng dụng này có giá trị hàng trăm tỷ USD – thậm chí hàng nghìn tỷ”.
Ông Trump cũng đề xuất một mô hình liên doanh giữa các chủ sở hữu hiện tại và/hoặc các nhà đầu tư mới, trong đó Mỹ giữ 50% cổ phần.
Các nhà lập pháp và quan chức an ninh Mỹ lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để thu thập thông tin cá nhân của người dân Mỹ, tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp. TikTok phủ nhận việc Trung Quốc kiểm soát ứng dụng này.
Tòa án Tối cao Mỹ hôm thứ sáu đã giữ nguyên lệnh cấm. Tới thứ bảy, ông Trump cho biết sẽ “có khả năng cao” kéo dài thời hạn bán TikTok thêm 90 ngày.
Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, bao gồm Thượng nghị sĩ Tom Cotton, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, và Thượng nghị sĩ Pete Ricketts của bang Nebraska, đã tuyên bố rằng không có "cơ sở pháp lý" nào để gia hạn thời hạn cho TikTok.
“Bất kỳ công ty nào lưu trữ, phân phối, cung cấp dịch vụ hoặc hỗ trợ TikTok đều có thể phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý lên tới hàng trăm tỷ USD, không chỉ từ Bộ Tư pháp (DOJ), mà còn từ luật chứng khoán, các vụ kiện của cổ đông và các tổng chưởng lý bang”, Cotton viết trên nền tảng X. “Hãy suy nghĩ về điều đó”.
Một người tham gia soạn thảo luật cho biết, không có điều khoản nào cho phép gia hạn sau khi thời hạn ngày 19/1 đã trôi qua. Luật chỉ cho phép gia hạn 90 ngày nếu đáp ứng các điều kiện nhất định – bao gồm bằng chứng về "tiến bộ đáng kể" trong việc tách rời quyền sở hữu và các "thỏa thuận ràng buộc" để đảm bảo thực thi – nhưng chỉ trước thời hạn.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng ban hành lệnh cấm TikTok hoạt động tại Mỹ, nhưng lệnh này đã bị tòa án chặn lại.
Tới năm ngoái, ông Trump lại phản đối luật của Quốc hội yêu cầu bán hoặc cấm TikTok, cho rằng luật này sẽ mang lại lợi ích cho Facebook – nền tảng đã cấm ông trong hai năm. Facebook hiện đang cạnh tranh với TikTok thông qua ứng dụng Instagram.
Theo: Financial Times