Với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/11/2024 Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV trong đó bao gồm nội dung tái khởi động xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Báo Điện tử Chính phủ cho biết, việc xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.
Hiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân - chỉ đạo các ban, ngành liên quan làm ngay những công việc cần thiết nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thành xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm (2025-2030).
VTV đưa tin, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được đặt tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) với tổng diện tích xây dựng trên đất liền là hơn 430 hecta.
Cách Phước Dinh 30km là địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, thuộc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Tổng diện tích xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân này là hơn 800 hecta.
Điểm đặc biệt và cũng là điểm chung của 2 vị trí này (thôn Vĩnh Trường và thôn Thái An) là đều gần biển.
Không ngẫu nhiên mà cả hai lại gần biển bởi theo các chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc chọn địa điểm để xây dựng nhà máy điện hạt nhân rất quan trọng và phải mất khá nhiều thời gian lựa chọn, khảo sát điều kiện tự nhiên (điều kiện địa hình, địa chất và thủy văn) và phải tính toán rất kỹ lưỡng.
Vậy, chuyên gia quốc tế lý giải điều này thế nào?
Tại sao nhà máy điện hạt nhân thường xây gần biển, sông, hồ?
Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết, trong các nhà máy điện hạt nhân hiện đại, nhiệt được tạo ra bởi phản ứng phân hạch hạt nhân, nghĩa là các nguyên tử uranium bị phân tách để giải phóng một lượng lớn năng lượng. Nhiệt này được sử dụng để chuyển nước thành hơi nước và chạy một tua-bin phát điện.
Để xử lý an toàn lượng nhiệt khổng lồ do phản ứng phân hạch hạt nhân tạo ra, các nhà máy điện này dựa vào hệ thống làm mát. Vì nước là cách tuyệt vời để làm mát lò phản ứng, nhiều nhà máy được đặt dọc theo các con sông và bờ biển nơi có nhiều nước và miễn phí.
Ngay cả khi nhà máy không hoạt động, nhiên liệu của nó vẫn tiếp tục tạo ra nhiệt cần được kiểm soát để ngăn ngừa nổ hoặc rò rỉ phóng xạ, National Geographic cho biết thêm.
Mạng lưới quan sát và Dữ liệu biển Châu Âu (EMODnet) từng cung cấp bản đồ các nhà máy điện hạt nhân tại châu Âu. Phần lớn đều nằm gần biển, hồ. Xem hình:
Tuy nhiên, vị trí gần biển này có điểm yếu. Ensia (thuộc Viện Môi trường của Đại học Minnesota, Mỹ) cho biết khi bờ biển lấn sâu vào đất liền và bão ngày càng dữ dội hơn, các lò phản ứng hạt nhân trên khắp thế giới phải đối mặt với những thách thức mới.
Nghiên cứu của Ensia cho thấy ít nhất 100 nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ, châu Âu và châu Á được xây dựng chỉ cao hơn mực nước biển vài mét có thể bị đe dọa bởi lũ lụt nghiêm trọng do mực nước biển dâng nhanh và bão thường xuyên hơn.
Lũ lụt có thể gây ra thảm họa cho một nhà máy điện hạt nhân vì nó có thể phá hủy hệ thống điện, vô hiệu hóa các cơ chế làm mát và dẫn đến quá nhiệt và có thể tan chảy và giải phóng phóng xạ nguy hiểm.
Giải pháp là gì?
Theo cơ quan quản lý của Anh và các kỹ sư Pháp, đến thời điểm nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C (của Anh) trị giá 25 tỷ đô la Mỹ hoàn thành, có thể là vào năm 2028, bức tường chắn biển bằng bê-tông cao 12,5 mét, dài 900 mét sẽ phải được xây dựng đủ bền, đủ mạnh mẽ để chịu được cơn bão mạnh nhất, sóng thần lớn nhất và mực nước biển dâng cao nhất. Hinkley Point C được kỳ vọng sẽ cung cấp điện không phát thải carbon cho khoảng 6 triệu hộ gia đình.
Vấn đề đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân gần biển không phải là chủ đề mới. Năm 2023, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thậm chí đã bàn đến việc đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển hoặc trên một hòn đảo.
Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nga và Mỹ đều đang nghiên cứu thiết kế lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) trên biển, một số đang trong giai đoạn phát triển nâng cao; và Nga thậm chí còn có một nhà máy điện hạt nhân nổi, Akademik Lomonosov, đang hoạt động thương mại ở vùng Viễn Đông của nước này.
Nhìn xa hơn, “để đạt được mục tiêu Net Zero đòi hỏi phải sử dụng tất cả các nguồn năng lượng sạch hiện có”, Mikhail Chudakov, Phó Tổng giám đốc IAEA và Trưởng phòng Năng lượng hạt nhân, cho biết vào năm 2023. “Các nhà máy điện hạt nhân nổi không cạnh tranh với các lò SMR trên đất liền mà mở rộng việc sử dụng và tiềm năng của công nghệ hạt nhân đó để đạt được mục tiêu Net Zero quy mô toàn cầu”.
Tham khảo: VTV, Ensia, EC, National Geographic, IAEA