Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay được nâng lên 3,3%. Mức tăng này đã tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Đây là công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong bản cập nhật Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất.
Theo IMF, nền kinh tế thế giới sẽ "tăng trưởng ổn định". Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn tốc độ trung bình 3,7% trong 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. IMF cũng cho thấy sự khác biệt về triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
Về tỷ lệ lạm phát, IMF dự báo lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm tốc, xuống mức 4,2% trong năm nay.
IMF cho biết, họ đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2025 của Mỹ lên 2,7% dựa trên thị trường lao động mạnh mẽ và đầu tư đang tăng tốc, tăng nửa phần trăm so với dự báo hồi tháng 10. Năm 2026, tăng trưởng kinh tế Mỹ ước tính sẽ giảm còn 2,1%.
Trong khi đó, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực Eurozone 0,2 điểm phần trăm xuống còn 1,0% cho năm 2025 và 0,1 điểm phần trăm xuống còn 1,4% cho năm 2026, với lý do động lực trong lĩnh vực chế tạo trở nên yếu hơn còn sự bất ổn chính trị và chính sách gia tăng.
Nền kinh tế Đức được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% vào năm 2025, thay vì mức 0,8% được dự báo 3 tháng trước. Sang năm 2026, kinh tế Đức ước đạt tăng trưởng tới 1,1%, điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm.
Pháp cũng bị cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống còn 0,8% cho năm 2025 từ mức 1,1% được dự báo vào tháng 10 và xuống còn 1,1% cho năm 2026 từ mức 1,3%.
Trong khi đó, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thêm 0,1 điểm phần trăm lên 4,6% và 0,4 điểm phần trăm lên mức 4,5% cho năm 2026 sau khi Bắc Kinh công bố một gói kích thích tài khóa vào tháng 11 năm ngoái.
Theo IMF, tiến trình hạ nhiệt lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục nhờ vào sự hạ nhiệt dần dần của thị trường lao động và dự kiến giá năng lượng sẽ giảm. Tuy nhiên, thế giới có thể đối mặt áp lực lạm phát mới do các biện pháp thương mại và điều này có thể dẫn đến lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn và khiến đồng USD mạnh lên.