Báo Tây thừa nhận: Đe dọa thuế quan của ông Trump còn lâu mới giảm được 'độ hot' của BRICS

Lời đe dọa thuế quan của ông Trump được cho là khó có thể khiến BRICS tiếp tục mở rộng dù vẫn còn nhiều rào cản đối với BRICS trong việc tạo ra những thay đổi thực thụ trong cạnh tranh với Mỹ và phương Tây.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết áp thuế 100% đối với các quốc gia BRICS nếu họ làm suy yếu đồng đô la Mỹ. Nhưng lời đe dọa này sẽ không kiềm chế được sự mở rộng của khối này, các nhà phân tích nói với CNBC.

Mới đây, Brazil tuyên bố Indonesia chính thức gia nhập khối vào đầu tuần trước.

Dưới thời chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, Washington đã tương đối đánh giá thấp khối gồm 10 thành viên này. Cố vấn truyền thông an ninh quốc gia Nhà Trắng, John Kirby, phát biểu trong cuộc họp báo vào tháng 10 năm ngoái rằng Mỹ không coi BRICS là một “mối đe dọa”.

Tình hình có thể thay đổi khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng vào cuối tháng này, sau những dấu hiệu ban đầu cho thấy tổng thống đắc cử Mỹ có thể áp thuế đối với các thành viên BRICS nếu họ làm suy yếu đồng bạc xanh.

Mihaela Papa, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế MIT, trả lời CNBC qua email rằng: “Một thay đổi chính sách quan trọng của chính quyền ông Trump sắp tới là cách họ coi BRICS là một thực thể riêng biệt”.

Trung Quốc sẽ giảm bớt tác động thuế quan

Được thành lập ban đầu bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 2009, sau đó có thêm Nam Phi vào năm 2010, BRICS được thành lập như một thế lực cạnh tranh với sự thống trị của phương Tây trên trường quốc tế.

Theo Duncan Wrigley, chuyên gia kinh tế tại Pantheon Macroeconomics, quy mô của BRICS khiến khả năng Mỹ áp dụng mức thuế 100% đối với các nước thành viên ngày càng trở nên khó xảy ra.

Wrigley cho rằng làm như vậy sẽ có nguy cơ khiến các quốc gia trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nghiêng về phía Bắc Kinh và tác động đến lợi ích của Mỹ.

Theo David Lubin, nghiên cứu viên cấp cao tại Chatham House, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thậm chí có thể can thiệp để giảm bớt tác động tiêu cực của các biện pháp thương mại mà Mỹ định áp đặt lên các thành viên BRICS.

“Khoảng 120 quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính, nên thực hiện việc đó không quá khó khăn”.

Đồng đô la Mỹ vẫn là vua

Ông Trump dọa áp thuế nếu BRICS tìm cách hạ bệ đồng đô la Mỹ. Điều này có thể là một nhiệm vụ khó khăn đối với khối này.

Nga đã thúc đẩy phi đô la hóa khi bị cắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT do Mỹ và phương Tây dẫn đầu. Trong các cuộc họp ở Kazan, Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh rằng Mỹ mắc “sai lầm lớn” khi vũ khí hóa đồng đô la.

Một trong những lựa chọn của BRICS để lật đổ đồng đô la là tạo ra một loại tiền tệ riêng của khối. Đây là đề xuất do Brazil khởi xướng nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Một khả năng khác là thiết lập thương mại đa tiền tệ, vốn đang diễn ra giữa một số thành viên. Nhiều giao dịch giữa Trung Quốc và Nga đang được thực hiện thông qua đồng nhân dân tệ và rúp. Các quốc gia cũng đã đồng ý tiếp tục tăng cường giao dịch bằng nội tệ và ủng hộ một cơ sở hạ tầng thanh toán xuyên biên giới độc lập.

Lubin của Chatham House lưu ý rằng đồng tiền Trung Quốc “ít được sử dụng trên phạm vi quốc tế so với đô la”, vì thị trường tài chính phần lớn được định giá bằng đồng bạc xanh.

BRICS vẫn chưa có nhiều hành động thực sự

Việc thiếu một chiến lược đồng minh và hành động cụ thể từ các thành viên BRICS làm dấy lên nghi ngờ liệu khối này có được coi là mối đe dọa đối với Mỹ hay không. Wrigley của Pantheon Macroeconomics cho rằng BRICS hiện tại vẫn chỉ đang “nói nhiều trên giấy”.

Theo Cecilia Malmström, ủy viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, BRICS vẫn còn quá lỏng lẻo và thiếu tổ chức để tạo ra bất kỳ thay đổi thực chất nào. Hội nghị thượng đỉnh Kazan năm 2024 “không mang lại kết quả thực sự cụ thể nào”, ông nói.

Điều này có thể giúp các thành viên BRICS và các nước đối tác tránh khỏi cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo Papas của MIT, trong khi Trung Quốc nắm giữ vị trí quan trọng trong nhóm, các quốc gia thành viên khác vẫn còn rất thận trọng về sự thống trị của Bắc Kinh và nguy cơ mất cân bằng thương mại.

Bà nói thêm: “Ngay cả khi Trung Quốc tìm cách tận dụng vị thế của mình, sự thận trọng nội bộ giữa các thành viên có thể vẫn là một yếu tố hạn chế”.

Nhiều thành viên BRICS vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Mỹ như một “đối tác thương mại quan trọng”, Gustavo Medeiros, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Ashmore Group, trả lời CNBC qua email.

Medeiros cho biết: “Không có lý do gì để cho rằng các thành viên BRICS sẽ tự động gặp rủi ro về kinh tế hoặc địa chính trị trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Theo CNBC

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/bao-tay-thua-nhan-de-doa-thue-quan-cua-ong-trump-con-lau-moi-giam-duoc-do-hot-cua-brics-a151005.html