Sân bay Long Thành – động lực đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới

Sân bay Long Thành là động lực mang tính đột phá thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai và cả nước.

Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là công trình trọng điểm của quốc gia. Dự kiến, đến năm 2026, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành sẽ đi vào hoạt động. Đây được xem là một động lực mang tính đột phát thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai và các địa phương khác trong khu vực.

Nỗ lực khắc phục mọi khó khăn

Sân bay Long Thành được khởi công giai đoạn 1 từ tháng 1/2021, có tổng vốn đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Các nhà thầu chính tham gia xây dựng gồm: Liên danh Vietur (Thổ Nhĩ Kỳ) thi công gói thầu lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách; Liên danh ACC – Trường Sơn – Vinaconex – Vinadic – Cienco 4 – ACJC647 thi công gói thầu lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay.

Sân bay Long Thành – động lực đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để đưa công trình về đích (Ảnh: Duy Phương)

Theo dự kiến, gói thầu nhà ga hành khách hoàn thành và đưa vào khai thác trước cuối tháng 8/2025, gói thầu đường cất hạ cánh hoàn thành trước 30/4/2025, gói thầu giao thông kết nối hoàn thành trước cuối tháng 12/2025 và các gói thầu khác hoàn thành trước cuối tháng 8/2026.

Trong quá trình thi công, nhiều khó khăn vướng mắc được chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục. Ông Dương Quang Điện – Phó Giám đốc thường trực Ban quản lý dự án sân bay Long Thành cho biết, một trong những khó khăn là công trình phức tạp nên phải đảm bảo công tác kết nối giữa các gói thầu với nhau.

Sân bay Long Thành – động lực đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các gói thầu quan trọng (Ảnh: Duy Phương)

Để giải quyết, chủ đầu tư đã làm việc với các nhà thầu để tìm cách rút ngắn tiến độ thực hiện, cũng như lập tiến độ khoa học nhất để công tác thi công các hạng mục có sự phối hợp chặt chẽ. Ngoài ra, việc thi công sân bay Long Thành còn gặp phải khó khăn về yếu tố thời tiết. Ông Điện cho biết các đơn vị tranh thủ mùa khô để tập trung toàn lực thi công.

"Thời điểm mùa khô rất thuận lợi cho việc tổ chức thi công. Đồng thời tranh thủ thi công cả buổi tối. Ngay cả lắp đặt hệ thống kết cấu thép là công tác rất cần sự chính xác thì nhà thầu vẫn tổ chức lắp dựng trong buổi tối, đảm bảo an toàn lao động", ông Điện chia sẻ.

Động lực đưa đất nước vươn mình

Về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án sân bay Long Thành, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đây là dự án trọng điểm quốc gia, là nhân tố góp vào thành tựu chung sau 40 năm đổi mới của đất nước.

Theo ông Nghĩa, khi công trình đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tổng thể các hoạt động thương mại với quốc tế. Đây là động lực giúp cho đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Sân bay Long Thành – động lực đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới- Ảnh 3.

Đại công trường sân bay Long Thành chụp tháng 1/2025

"Không chỉ là một công trình kinh tế đơn thuần mà là một nhân tố khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình. Việc hội nhập và thúc đẩy kinh tế là một trong những điều kiện mở đầu cho kỷ nguyên mới để chúng ta cất cánh vươn lên bay cao", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Đối với địa phương, sân bay Long Thành cũng là một trong những trụ cột quan trọng, là cực tăng trưởng mới của tỉnh Đồng Nai. Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, quy hoạch tỉnh xác định sân bay Long Thành là trọng tâm, nhiệm vụ đột phá góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế từ các ngành công nghiệp sang thương mại, dịch vụ.

Trong đó, công nghiệp tập trung vào 3 nhóm ngành mũi nhọn như công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp và trí tuệ nhân tạo… Theo ông Nguyên, tỉnh Đồng Nai tập trung phát huy lợi thế là vùng phụ cận của sân bay nhằm tạo động lực phát triển cho tỉnh cũng như của cả vùng Đông Nam bộ. Trong đó, mô hình đô thị sân bay sẽ là trọng tâm ưu tiên trong quy hoạch phát triển.

Khai thác hiệu quả với hạ tầng đồng bộ

Xoay quanh sân bay Long Thành là yêu cầu đặt ra về nguồn nhân lực phục vụ tại sân bay. Về vấn đề này, ông Nguyễn Khánh Cường – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2 cho biết, khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành dự kiến cần hơn 12.000 người lao động, trong đó có cả người lao động phổ thông và chuyên gia, người lao động trình độ cao.

Sân bay Long Thành – động lực đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới- Ảnh 4.

Sân bay Long Thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của Đồng Nai và cả nước (Ảnh: Duy Phương)

Theo ông Cường, hiện nhà trường có nhiều học viên là con em trong vùng dự án sân bay Long Thành đang theo học. Tới đây, trường sẽ tăng cường hợp tác với ngành chức năng để đưa ra cơ chế hỗ trợ những người là con của các gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án vào học các ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không. Đồng thời kết nối, bàn bạc với các đơn vị liên quan để đảm bảo việc làm cho người học.

"Chúng tôi đã kết hợp với các huyện, thành phố xung quanh sân bay để kết hợp làm tuyên truyền, đưa thông tin về đào tạo đến tận người học, đến tận những gia đình có nhu cầu học. Đồng thời, chúng tôi đang đề xuất chính sách hỗ trợ về học phí hoặc chính sách về tín dụng những ngành nghề phục vụ sân bay Long Thành", ông Cường thông tin.

Cùng với nhân lực, yếu tố hạ tầng cũng rất quan trọng, nhằm khai thác tối đa hiệu quả của sân bay Long Thành. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cho biết: Hiện nay ưu tiên hàng đầu là hạ tầng giao thông kết nối đến sân bay Long Thành.

Sân bay Long Thành – động lực đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới- Ảnh 5.

Cần đồng bộ các hạ tầng để khai thác hiệu quả của sân bay Long Thành (Ảnh: Duy Phương)

Nhiều tuyến đường đang được triển khai quanh khu vực để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng chú trọng quy hoạch đô thị sân bay để thu hút đầu tư và xây dựng một khu đô thị sân bay hiện đại.

"Vấn đề đặt ra là giao thông kết nối từ sân bay Long Thành đến TP.HCM và các vùng lân cận có nguy cơ không đáp ứng được. Hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo chỉ đạo mở các tuyến giao thông kết nối, cơ bản là quyết liệt nhưng dự báo cần phải mở thêm chứ không thể đáp ứng được", ông Lĩnh cho biết.

Để giải quyết các hạn chế, bất cập về hạ tầng nêu trên, các chuyên gia, đơn vị tư vấn cũng như lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xác định thực hiện mô hình đô thị sân bay.

Kiến trúc sư Lý Thành Phương – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai cho biết, các hệ thống giao thông vùng đang triển khai nhưng còn chưa đáp ứng được tiến độ.

Để hạ tầng đồng bộ, ông Phương cho biết tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã có chủ trương mở rộng lên 10 làn xe trong thời gian tới. Ngoài ra, một số tuyến đường sắt kết nối từ sân bay Long Thành với TP. Biên Hoà, với TP.HCM cũng như tới thẳng sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang trong quá trình nghiên cứu.

Sân bay Long Thành – động lực đưa đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới- Ảnh 6.

Động lực đưa đất nước bước vào kỳ nguyên vươn mình (Ảnh: Duy Phương)

Theo ông Phương, quy hoạch đô thị sân bay Long Thành đã đặt ra vấn đề nhà ở, lưu trú, khu công nghiệp công nghệ cao, logistic cũng như có cả mảng xanh, hướng tới mục tiêu sinh thái, net zero.

"Một trong những yếu tố quan trọng nhất của sân bay là logistic và công nghiệp phục vụ gắn liền với hoạt động của sân bay. Còn giao thông đô thị cũng xác định phương thức giao thông công cộng là chủ đạo, gồm hệ thống buýt BRT và đường sắt nhẹ LRT", ông Phương thông tin.

Sân bay Long Thành đang là biểu tượng mới, mang nhiều kỳ vọng trong việc thúc đẩy tỉnh Đồng Nai cũng như cả nước cất cánh vào thời kỳ phát triển mới. Khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, là trung tâm logistic lớn của khu vực và thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế, sức mạnh về kinh tế của đất nước.

Dự án sân bay Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 ha tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Sân bay đạt cấp 4F, hướng tới là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực.

Tổng mức đầu tư khái toán của dự án khoảng 16,06 tỷ USD (hơn 336.000 tỷ đồng), chia làm 3 giai đoạn đầu tư.

Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng một đường băng và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/san-bay-long-thanh-dong-luc-dua-dat-nuoc-vuon-minh-vao-ky-nguyen-moi-a150857.html