Mỗi ngày sau khi di chuyển từ các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên vào bờ, người dân nơi đây tranh thủ gom tất cả rác thải đang trôi nổi để đưa vào bờ
Ông Nguyễn Xuân Đào (xã Xuân Phú, thị xã Sông Cầu) chia sẻ, hầu hết người dân nhất trí cao với phương án thu gom rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản về bờ để xử lý. Tại đây có các điểm tập kết rác để người dân gom lại cho các đơn vị chức năng tiến hành xử lý.
Hành động tưởng đơn giản nhưng theo người dân, đây là giải pháp bền vững để bảo vệ môi trường biển. Mọi người cùng thực hiện để không còn tình trạng tôm hùm, cá nuôi chết hàng loạt.
Trong năm 2024, chỉ trong vòng khoảng 1 tháng, tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã liên tiếp xảy ra 2 đợt thủy sản đột ngột chết. Đợt 1, từ ngày 18-23/5, xảy ra tại xã Xuân Thịnh, tôm hùm, cá nuôi và cá tự nhiên chết hàng loạt. 281 hộ nuôi bị thiệt hại. Hơn 1.600 lồng nuôi tôm hùm và cá biển bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại của người nuôi là hơn 38,4 tỷ đồng.
Đợt 2, từ ngày 22-24/6, xảy ra tại xã Xuân Cảnh, tôm hùm và cá biển chết hàng loạt. Có 88 hộ nuôi bị thiệt hại; 1,7 tấn tôm hùm thịt chết; hơn 44,7 tấn các loại cá biển chết. Tổng thiệt hại hơn 7,3 tỷ đồng.
Qua 2 đợt liên tiếp thủy sản đột ngột chết tại thị xã Sông Cầu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã khảo sát, đo đạc hiện trường và phân tích mẫu cho thấy, hàm lượng DO thấp, chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm và cá biển nuôi lồng. Đặc biệt, nước ở khu vực khảo sát ô nhiễm các chất dinh dưỡng và chất hữu cơ. Lồng nuôi được đặt gần bờ, có độ sâu mực nước thấp (2,5-3,5m lúc nước ròng) so với quy định, mật độ lồng thả nuôi dày, khu vực nuôi nằm ở vị trí nút thắt cổ chai, dễ làm cho việc đối lưu và trao đổi nước kém. Đây có thể là những nguyên nhân làm cá biển, tôm hùm nuôi chết tại vùng khảo sát.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những thách thức nuôi trồng thủy sản của địa phương hiện nay là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho các hiện tượng thời tiết, thiên tai cực đoan như: mưa, gió, bão, lũ lụt, khô hạn, nắng nóng, nước biển dâng… ngày càng khó lường. Cùng với đó, khu nuôi không có ao chứa nước cấp nên không chủ động lấy nước cho ao nuôi, không có ao xử lý nước thải nên hầu hết nước thải từ hoạt động nuôi trồng được xả thải trực tiếp ra môi trường không xử lý theo quy định. Điều này dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng/năm.
Nỗ lực đem rác thải vào bờ
Ông Võ Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên - cho biết: Qua khảo sát, người dân đồng thuận phương án thu gom rác thải từ nuôi trồng thủy sản. Địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận cùng thực hiện. Các cơ quan, ban ngành cũng chú trọng thực hiện phương án giao mặt nước biển cho người dân nuôi trồng thủy sản. Qua đó, giúp người dân yên tâm nuôi trồng, đồng thời có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi của mình. Bên cạnh đó, một số đơn vị, doanh nghiệp tăng cường hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Hiện, 7 xã, phường trên địa bàn với 100% hộ dân nuôi trồng thủy sản sẽ tham gia thực hiện phương án này. Người dân đem tất cả rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển vào bờ để xử lý. Cơ quan chức năng cũng đã xây dựng 54 điểm tập kết rác thải tại những khu vực ven biển để người dân bỏ rác và sau đó có công nhân môi trường đến thu gom.
Đối với việc thu phí từ hoạt động thu gom rác thải là 40.000 đồng/tháng/hộ nuôi, bản thân ông thấy hợp lý vì để hoạt động thu gom được duy trì lâu dài.
Theo ước tính, mỗi hộ nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Phú Yên phát sinh từ 3 - 5kg chất thải/ngày. Như vậy, tại hai vùng nuôi trồng thủy sản này, gần 4.000 hộ nuôi sẽ phát sinh từ 12 - 20 tấn chất thải/ngày.
Phú Yên có bờ biển dài gần 190km với nhiều đầm, vịnh và thắng cảnh đẹp. Nhiều năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở vùng đầm, vịnh tại tỉnh Phú Yên đã đem lại sinh kế lâu bền và thu nhập cao cho người dân. Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.940 hộ nuôi trồng thủy sản. Đứng đầu là thị xã Sông Cầu với 4.852 hộ.
Hiện, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Địa phương cũng tiến hành quy hoạch chi tiết vùng nuôi, sắp xếp và giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho các hộ dân để có sự tham gia quản lý, giám sát chặt chẽ và bảo vệ môi trường từ cộng đồng.
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/gom-rac-tu-bien-vao-bo-nguoi-dan-phu-yen-ngan-noi-lo-tom-ca-chet-hang-loat-a150337.html