Chị Đặng Thị Ngọc Thùy - chủ cơ sở nem Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) - cho biết cơ sở tăng công suất gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ, lượng công nhân thuê cũng tăng, máy chạy cả ngày lẫn đêm mới đủ cung cấp hàng do khách mua nhiều hơn.
Theo chị Thùy, cơ sở này sản xuất 12 sản phẩm như: nem chua, nem đòn, nem quế, nem bì chả minin, nem trong trái quýt...
Ngoài bán tại chỗ, sản phẩm còn được phân phối cho các cửa hàng tại nhiều địa phương và mở rộng bán qua mạng xã hội.
"Dù tăng sản lượng nhưng các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, an toàn để khách an tâm chọn nem Lai Vung về dùng và biếu tặng cho bà con họ hàng", chị Thùy khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Dũng - chủ cơ sở sản xuất khô Ngọc Xê (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) - cho biết bà con trong làng nghề sản xuất quanh năm, nhưng dịp Tết vẫn là chủ lực vì lượng hàng đi gấp nhiều lần ngày thường.
"Khoảng đầu tháng 10, chúng tôi đã bắt đầu tăng sản lượng chuẩn bị nguồn hàng Tết, trung bình mỗi ngày cơ sở chế biến 1.000kg cá tươi các loại, rồi tùy tình hình mà tăng lên thêm từ 500 - 800kg/ngày", ông Dũng nói.
Bên cạnh các loại đặc sản được ưa chuộng mùa Tết như nem và khô, những sản phẩm thủ công độc đáo như khăn choàng và chiếu cũng hút hàng.
Chính vì vậy những làng nghề thủ công truyền thống ở Đồng Tháp như dệt khăn choàng xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) và làng dệt chiếu xã Định An, Định Yên (huyện Lấp Vò) cũng đang tất bật sản xuất hàng cung ứng cho thị trường Tết với mẫu mã đa dạng, hấp dẫn.
Bà Nguyễn Thị Kim Chiều - chủ cơ sở dệt khăn choàng Kim Chiều (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự) - cho biết dịp Tết này số lượng đơn đặt hàng tăng từ 30 - 40% do nhu cầu phục vụ khách du lịch tăng cao.
"Từ khi làng nghề dệt khăn choàng được công nhận là di sản quốc gia, địa phương có thành lập hợp tác xã trưng bày sản phẩm thu hút lượng khách du lịch định kỳ đến tham quan mua sắm, tìm hiểu về làng nghề", bà Chiều nói thêm.
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/nhon-nhip-lang-nghe-thu-cong-ngay-giap-tet-a150224.html