Tuyên bố 'cai nghiện', EU vẫn nhận hàng chục tỷ mét khối từ Moscow, còn 'nhiệt tình' làm một việc giúp tàu chở LNG Nga 'ship hàng' khắp thế giới

Financial Times cho biết, các xưởng đóng tàu của EU vẫn đang hỗ trợ sửa chữa tàu chở dầu phá băng của Nga và cho họ sử dụng cơ sở ụ khô, giúp Moscow tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Bắc Cực bất chấp lệnh trừng phạt.

Nếu không có dịch vụ bảo dưỡng - do xưởng đóng tàu Damen ở Brest, Pháp và Fayard ở Đan Mạch cung cấp, nhà máy Yamal LNG của Nga sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các thị trường quan trọng trong suốt mùa đông, khi giá khí đốt ở khu vực Bắc bán cầu tăng cao chưa từng có.

Theo hình ảnh vệ tinh và dữ liệu theo dõi các chuyến tàu ghé cảng từ hãng phân tích dữ liệu Kpler, 2 xưởng này đã bảo dưỡng 14 trong số 15 tàu chở dầu Arc7 chuyên dụng vận chuyển từ Yamal LNG đến khu vực bờ biển cực Bắc của Nga. Một số tàu còn đến đây nhiều lần.

Tuyên bố 'cai nghiện', EU vẫn nhận hàng chục tỷ mét khối từ Moscow, còn 'nhiệt tình' làm một việc giúp tàu chở LNG Nga 'ship hàng' khắp thế giới- Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu chở LNG của Nga đến cơ sở sửa chữa Damen.

8 tàu chở dầu đã được đưa đến Damen, trong khi Fayard bảo dưỡng 9 tàu Nga kể từ năm 2022. Damen cho biết họ sửa chữa một số tàu liên quan đến việc vận chuyển LNG Nga nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt lệnh trừng phạt của EU. Hầu hết các tàu đều thuộc sở hữu của các công ty năng lượng và vận tải biển Dynagas của Hy Lạp và Teekay của Canada.

Loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga là mục tiêu chính sách trọng tâm của EC. Tuy nhiên, mục tiêu giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch của Moscow xuống mức 0 vào năm 2027 cho đến nay chưa khả thi, do lượng nhập khẩu LNG Nga của khối này vẫn tăng lên, phần lớn được cung cấp từ cơ sở Yamal.

Hoạt động của các tàu và xưởng đóng tàu không nằm trong quy mô lệnh trừng phạt vì lý do liên quan đến vận chuyển năng lượng và các tàu không treo cờ Nga. Các tàu chở dầu chuyên dụng sẽ không thể phân phối hàng hoá nếu không được bảo dưỡng chuyên nghiệp từ các xưởng đóng tàu châu Âu.

Chiếc tàu duy nhất không đến các xưởng này là Christophe de Margerie, thuộc sở hữu của công ty vận tải biển Nga là Sovcomflot nằm trong danh sách bị trừng phạt. EU áp lệnh trừng phạt với tàu này từ ngày 16/12, trong khi Mỹ áp dụng nhiều lệnh trừng phạt với dự án Yamal.

Từ Yamal, các tàu có thể đi về phía châu Âu hoặc đi theo Tuyến đường biển phía Bắc có lộ trình dài hơn đến Trung Quốc. Tuyến đường hướng đông chỉ có thể đi bằng thuyền trong mùa ấm hơn. Tuy nhiên, Novatek - chủ sở hữu dự án Yamal LNG, đang thử nghiệm lộ trình vận chuyển dài hơn.

Các tàu chở LNG Arc7 được đóng tại Hàn Quốc với chi phí khoảng 333 triệu USD/tàu, theo Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford. Các tàu này dài hơn 200 mét và có thể chở khoảng 170.000 mét khối khí đốt tự nhiên với hệ thống đẩy “Azipod” được thiết kế riêng để di chuyển trên lớp băng dày.

Một công ty môi giới tàu biển châu Âu cho biết các xưởng đóng tàu của Pháp và Đan Mạch có ụ tàu khô đủ lớn cho các tàu chở dầu kích cỡ cực lớn. Đây là những xưởng duy nhất có khả năng sữa chửa, bảo trì Arc7 và có vị trí thuận lợi.

Dù dầu thô và than của Nga đã bị trừng phạt, song khí đốt vẫn nằm ngoài “danh sách đen” của khối này do lo ngại về an ninh nguồn cung. Trong bước đi đầu tiên hướng tới việc loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, các nước EU đã nhất trí sẽ cấm vận chuyển LNG của Nga từ tháng 3. Theo đó, các cảng của EU sẽ không còn được sử dụng để vận chuyển khí đốt từ tàu chở dầu phá băng sang các tàu thông thường để đưa đến các quốc gia khác.

Yamal LNG đã xuất khẩu 20,9 tỷ mét khối khí đốt sang châu Âu vào năm 2023, theo OIES, trong đó khoảng 1/4 được chuyển đến các điểm đến bên ngoài khối. Theo nhóm nghiên cứu Bond Beter Leefmilieu, nguồn cung từ Yamal chiếm khoảng 85 đến 90% lượng LNG nhập khẩu từ Nga của EU. 

Tham khảo FT

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/tuyen-bo-cai-nghien-eu-van-nhan-hang-chuc-ty-met-khoi-tu-moscow-con-nhiet-tinh-lam-mot-viec-giup-tau-cho-lng-nga-ship-hang-khap-the-gioi-a150213.html