Mỹ và Anh siết chặt trừng phạt ngành năng lượng Nga

Mỹ và Anh hôm qua (10/1) siết chặt trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga với cáo buộc lĩnh vực này là nguồn thu chính mà Điện Kremlin sử dụng để phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đây là đợt trừng phạt lớn nhất từng được áp đặt, nhắm mục tiêu nhằm cắt giảm doanh thu từ ngành kinh tế huyết mạch của Nga, khiến nước này có thể chịu thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ USD Mỹ mỗi tháng.

Bộ Tài chính Mỹ hôm qua (10/01) thông báo đưa vào danh sách trừng phạt 2 công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, Gazprom Neft và Surgutneftegaz. Các lệnh trừng phạt cũng được áp dụng đối với 183 tàu mà chính phủ Mỹ tin rằng là một phần của "hạm đội bóng tối" của Nga, được cho là dùng để trốn tránh các lệnh trừng phạt hiện hành đối với hoạt động vận chuyển dầu của Nga. Ngoài ra, nhiều dự án và cơ sở hạ tầng cụ thể dành cho khí thiên nhiên hóa lỏng, cũng như các nhà thầu phụ, nhà cung cấp dịch vụ, thương nhân và công ty bảo hiểm hàng hải cũng trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt mới.

Mỹ và Anh siết chặt trừng phạt ngành năng lượng Nga- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi nhắm vào nguồn doanh thu lớn nhất của Nga và áp đặt các lệnh trừng phạt đáng kể đối với ngành năng lượng của nước này. Các lệnh trừng phạt mới chắc chắn nhắm vào cả dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng của Nga. Chúng tôi dự kiến hành động của mình sẽ khiến Nga có thể phải hứng chịu thiệt hại lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng. Đừng nên quên rằng các lệnh trừng phạt này là tiếp tục thực hiện cam kết của G7 nhắm vào khả năng của Nga trong việc sử dụng ngành năng lượng của mình để tài trợ và duy trì hành động quân sự tại Ukraine”.

Theo Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden chọn thời điểm này, khi chỉ còn10 ngày nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ, để áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn vì lo ngại về thị trường dầu mỏ thế giới đã lắng xuống.

Trong một động thái phối hợp với Mỹ, chính quyền Anh cùng ngày cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Gazprom Neft và Surgutneftegaz. Anh và các đồng minh phương Tây đang nhắm mục tiêu vào những con tàu đã và đang giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt. Theo đó, các biện pháp trừng phạt mới của Anh sẽ hạn chế hoặc cấm những con tàu này di chuyển và tiếp cận một số cảng của Anh. Theo Ngoại trưởng Anh David Lammy, doanh thu từ dầu mỏ là mạch máu của nền kinh tế Nga trong thời kỳ xung đột với Ukraine.

Nga đã bác bỏ các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước này, gọi đây là động thái “bất hợp pháp”. Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng, Nga đã vượt qua những thách thức do các lệnh trừng phạt gây ra và chính các biện pháp trừng phạt đã trở thành động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp của Nga. Trước khi loạt lệnh trừng phạt mới được công bố, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng từng chỉ trích Tổng thống Mỹ Joe Biden đang "tìm cách để lại di sản nặng nề nhất" cho người kế nhiệm.

Giá dầu tăng gần 3% trong ngày hôm qua (10/1), lên mức cao nhất trong ba tháng khi các nhà giao dịch dự đoán nguồn cung sẽ bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt mở rộng.

Cùng ngày (10/01), Gazprom Neft tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động và duy trì khả năng chống chịu, bất chấp các biện pháp trừng phạt mới, cho rằng đây là quyết định “thiếu căn cứ, bất hợp pháp và đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh tự do.” Cũng nằm trong danh sách trừng phạt, công ty bảo hiểm Ingossstrakh của Nga khẳng định vẫn hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với khách hàng.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/my-va-anh-siet-chat-trung-phat-nganh-nang-luong-nga-a149807.html