"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết

Không chỉ giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập, làng hoa đào lớn nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách, mang đến những trải nghiệm thú vị trong những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Người tiên phong đưa hoa đào vào Đắk Lắk

Nhiều năm qua, hoa đào đã "bén duyên" với người dân thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk). Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, cây hoa đào còn góp phần quan trọng tạo dựng thương hiệu và nét đặc trưng riêng của vùng đất này.

Một trong những người đầu tiên gắn bó với nghề trồng hoa đào tại thị xã Buôn Hồ là chị Vũ Thị Hằng (SN 1983, trú tại tổ dân phố Tân Hà 3, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ).

Chị Hằng kể, năm 2004, sau khi lập gia đình, chị quyết định rời quê hương Ninh Bình chuyển vào Đắk Lắk để bắt đầu một cuộc sống mới.

"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết- Ảnh 1.

Chị Vũ Thị Hằng - một trong những người đầu tiên "bén duyên" với nghề trồng hoa đào ở Buôn Hồ.

Sau đó, trong một lần trở về quê ăn Tết, chứng kiến cảnh người thân tất bật bán đào Tết, chị cảm nhận được không khí vui tươi, ấm áp của mùa xuân. Chính khoảnh khắc ấy đã thôi thúc chị thực hiện ước mơ đưa cây hoa đào từ miền Bắc vào vùng đất Tây Nguyên.

Năm 2008, chị Hằng bắt đầu trồng đào Nhật Tân tại mảnh đất gia đình bên Quốc lộ 14, với 400 cây. Vườn đào phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều khách tham quan và mua, khiến chị không đủ cây để bán.

Nhờ thành công, chị mở rộng diện tích và hiện có khoảng 5.000 cây, với nhiều loại đào. Vườn đào của gia đình không chỉ phục vụ nhu cầu địa phương mà còn cung cấp cho các tỉnh, thành khác. Chị Hằng còn uốn nắn, tạo thế đẹp cho đào và cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trồng hoa đào.

"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết- Ảnh 2.

Chị Hằng cho biết, việc chăm sóc đào cần sự tỉ mỉ, liên tục từng ngày, từng giờ.

Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình chị Hằng thu lợi nhuận khoảng 300-400 triệu đồng từ vườn hoa đào. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Để đào ra hoa đúng vụ, chị Hằng đã học hỏi và điều chỉnh kỹ thuật, vặt lá từ 30-45 ngày trước Tết để đào ra hoa đúng vụ. Việc chăm sóc đào đòi hỏi sự tỉ mỉ, theo dõi thường xuyên để phát hiện sâu bệnh kịp thời..

"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết- Ảnh 3.

Những cây đào được tạo thế phu thê.

"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết- Ảnh 4.

Những gốc đào cổ thụ được chị Hằng chăm sóc cẩn thận.

Sức sống mãnh liệt

Từ một vài hộ ban đầu, năm 2023, hàng chục hộ dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã liên kết thành lập Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Hoa Đào Đoàn Kết - Buôn Hồ, tổng diện tích hơn 17ha, với 14 hộ dân tham gia. Trong đó, phường Thống Nhất có khoảng 1ha, phường Thiện An 0,3ha và phường Đoàn kết 16ha.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Hoa Đào Đoàn Kết - Buôn Hồ, chia sẻ: "Cây đào mang trong mình sức sống mãnh liệt. Cứ vào dịp Tết, hoa lại bung nở rực rỡ và đẹp không có gì sánh bằng. Đây cũng lý do mà người Việt Nam dành tình yêu rất đặc biệt cho cây hoa đào".

"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết- Ảnh 5.

Những cây đào cổ thụ được chăm sóc cẩn thận.

Ông Thắng cho biết, các hộ trồng đào ở Buôn Hồ đã thành lập hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc.

Hợp tác xã còn mời nghệ nhân Hà Nội về hỗ trợ trồng đào cổ thụ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cây đào không chỉ giúp cải thiện thu nhập và tạo việc làm cho địa phương, mà còn thu hút khách từ các tỉnh và nước ngoài đến Buôn Hồ mua đào Tết.

Nhận định nhu cầu chơi đào Tết năm 2025 của người dân sẽ tăng cao, gia đình ông Thắng đã trồng thêm 400 cây đào các loại, nâng tổng số cây trong vườn lên 1.700 cây. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 20% số lượng cây đào của gia đình ông đã được thương lái chốt giá.

Theo ghi nhận của PV, giá hoa đào tại vườn trên địa bàn thị xã Buôn Hồ dao động từ 250.000 đồng/cây; với những cây cổ thụ, đẹp có giá lên tới hơn 10 triệu đồng/cây.

"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết- Ảnh 6.

Những vườn đào dọc hai bên đường tránh Buôn Hồ đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều du khách vào dịp Tết Nguyên đán.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đinh Quốc Hùng, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, cho hay, các giống hoa đào du nhập vào địa phương khoảng 15 năm nay. Hiện nay, diện tích trồng đào trên địa bàn phường khoảng 1ha.

"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết- Ảnh 7.

Mô hình trồng hoa đào giúp nhiều hộ dân cải thiện, nâng cao thu nhập.

"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết- Ảnh 8.

Giá hoa đào tại vườn trên địa bàn thị xã Buôn Hồ dao động từ 250.000 đồng/cây; với những cây cổ thụ, đẹp có giá lên tới hơn 10 triệu đồng/cây.

"Thủ phủ" hoa đào trên cao nguyên Đắk Lắk sẵn sàng đón Tết- Ảnh 9.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, cây đào mang trong mình sức sống mãnh liệt.

Thị xã Buôn Hồ được mệnh danh là "thủ phủ" hoa đào của tỉnh Đắk Lắk.

Bà H Philip Niê Kđăm, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ, thông tin, tháng 10/2023 sản phẩm "Cây hoa đào Buôn Hồ" đã được phân hạng OCOP 3 sao và đang nỗ lực phấn đấu lên 4 sao nhằm hướng đến xuất khẩu. Các giống hoa đào chủ yếu bao gồm: đào bích, đào phai và đào tuyết, tạo nên sự đa dạng cho thị trường.

Mới đây, UBND thị xã Buôn Hồ đã thông qua kế hoạch tổ chức Ngày hội "Hoa đào xuân Ất Tỵ năm 2025", dự kiến diễn ra vào ngày 25/1. Sự kiện này nhằm thúc đẩy phong trào phát triển hoa đào Buôn Hồ thành một sản phẩm hàng hóa, giúp bà con nông dân tăng thu nhập và cải thiện hiệu quả kinh tế, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương...

Khánh Ngọc

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/thu-phu-hoa-dao-tren-cao-nguyen-dak-lak-san-sang-don-tet-a149525.html