Đua xe trái phép sẽ bị tịch thu phương tiện, kể cả ô tô

Theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ngoài việc bị phạt tiền thì người đua xe máy, ô tô trái phép sẽ bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

Đua xe trái phép sẽ bị tịch thu phương tiện, kể cả ô tô- Ảnh 1.

Hình ảnh tài xế xe máy "bốc đầu" xe ở Hà Nội.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX), thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Điều 35 Nghị định 168 quy định rõ việc xử phạt, trừ điểm GPLX đối với người đua xe trái phép, tổ chức đua xe, xúi giục, cổ vũ đua xe trái phép.

Trong đó, mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tụ tập để cổ vũ, giúp sức, xúi giục hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép.

"Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với cá nhân, từ 80-100 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm tổ chức đua xe trái phép" - Nghị định 168 quy định.

Ngoài ra, Nghị định 168 quy định việc tịch thu phương tiện đối với người điều khiển phương tiện thực hiện một trong các hành vi vi phạm, như: đua xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp, xe ô tô, mô tô trái phép trên đường giao thông.

Người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi đua xe ô tô, mô tô trái phép trên đường giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng.

Đua xe trái phép sẽ bị tịch thu phương tiện, kể cả ô tô- Ảnh 2.

Các hành vi điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với với xe hai bánh cũng bị tịch thu phương tiện.

Nghị định 168 cũng quy định một số hành vi vi phạm khác sẽ bị tịch thu phương tiện. Cụ thể, người điều khiển ô tô thực hiện hành vi vi phạm điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông; điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.

Đối với xe máy, bị tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe, ngồi về một bên điều khiển xe, nằm trên yên xe khi điều khiển xe, thay người điều khiển khi xe đang chạy, quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng...

Tịch thu phương tiện đối với chủ xe ô tô, xe máy... thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, tẩy xóa, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số máy tham gia giao thông; cải tạo xe ô tô loại khác thành xe chở người...

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/dua-xe-trai-phep-se-bi-tich-thu-phuong-tien-ke-ca-o-to-a149382.html