Bài toán năng lượng của EU

Vừa qua, Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo chỉ chuyển 37,2 triệu m3 khí đốt tới châu Âu qua ngả Ukraine trong ngày 31/12/2024.

Bài toán năng lượng của EU- Ảnh 1.

Minh họa/INT

Vừa qua, Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo chỉ chuyển 37,2 triệu m3 khí đốt tới châu Âu qua ngả Ukraine trong ngày 31/12/2024, so với 42,4 triệu m3 một ngày trước đó. Dòng khí đốt tạm dừng từ 1/1/2025 sau khi thỏa thuận trung chuyển kéo dài 5 năm hết hạn.

Theo đó, Nga dừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu khí đốt qua Ukraine sang châu Âu, nơi khí đốt trước đó được chảy đến Slovakia, Áo, Hungary và Italy. Ukraine cũng từ chối đàm phán thỏa thuận mới với Nga, do chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra. Việc dừng trung chuyển này sẽ là đòn giáng mạnh đối với Moldova, nước nhận khoảng hai tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.

Slovakia, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thủ tướng Slovakia Robert Fico vào cuối tháng 12/2024 bất ngờ tới Moskva gặp Tổng thống Vladimir Putin để thảo luận về tương lai hoạt động cung cấp khí đốt của Nga.

Hungary sẽ tiếp tục nhận khí đốt Nga từ miền Nam, thông qua đường ống TurkStream ở Biển Đen, dù nước này cũng muốn duy trì tuyến trung chuyển qua Ukraine.

Thỏa thuận trung chuyển kết thúc đồng nghĩa Kiev sẽ mất đi khoảng 800 triệu USD từ Nga và Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD bán khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine. Vào thời kỳ đỉnh cao, thị phần của Moscow đối với nhập khẩu khí đốt châu Âu đạt 35%, nhưng hiện đã giảm xuống còn khoảng 8%.

Ngoài ra, trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát, Nga đáp ứng gần 40% nhu cầu khí đốt của EU qua 4 hệ thống đường ống gồm Nord Stream dưới biển Baltic đến Đức, Yamal - Europe qua Belarus đến Ba Lan, TurkStream dưới Biển Đen qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Bulgaria và Urengoy - Pomary - Uzhgorod (UPU) qua Ukraine.

Thực tế, EU đã nhập khí đốt từ Na Uy, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ để ứng phó, đặt mục tiêu không phụ thuộc năng lượng Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, việc dừng nhận khí đốt từ Nga đồng nghĩa EU sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn LNG nhập khẩu.

Chi phí nhập khẩu cao hơn cùng với độ tin cậy thấp hơn của LNG so với khí đốt Nga sẽ càng làm gia tăng gánh nặng lên các ngành công nghiệp và người tiêu dùng châu Âu.

Giới quan sát thị trường không lo ngại các quốc gia châu Âu hết khí đốt, mà lưu ý, việc cung cấp năng lượng sẽ phức tạp và tốn kém hơn. Viện chính sách kinh tế Bruegel, Bỉ, cho biết giá các loại năng lượng ở EU đang cao hơn hầu hết các nền kinh tế công nghiệp khác, trung bình gấp gần 5 lần so với ở Mỹ.

“Mỗi nước thành viên EU sẽ phải tự tìm giải pháp cho mình”, Robert Frank, nhà phân tích chính trị Croatia, cho biết. Theo ông Frank, kinh tế EU đã chững lại và nếu xảy ra khủng hoảng nguồn cung năng lượng, châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, làm suy yếu vị thế kinh tế của châu lục hơn nữa.

“Tác động sẽ bộc lộ rõ rệt ở Áo, Hungary và Slovakia, khiến giá năng lượng tại đây tăng”, Philipp Lausberg, nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách châu Âu, trụ sở Bỉ, nói với Press TV và cho biết, “tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt cũng như các ngành công nghiệp ở châu Âu, làm suy yếu sức cạnh tranh của khu vực”.

Mặc dù vậy, bất chấp các lo ngại, EU vẫn tin vào khả năng đảm bảo nguồn cung thay thế khí đốt Nga. Truyền thông dẫn một tài liệu của Ủy ban châu Âu đánh giá, với hơn 500 tỷ m3 LNG được sản xuất trên toàn thế giới mỗi năm, việc thay thế 14 tỷ m3 khí đốt Nga qua ngả Ukraine sẽ không có tác động nhiều đến giá khí đốt ở EU.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/bai-toan-nang-luong-cua-eu-a148433.html