Hôm nay 4-1 tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện kết luận số 47 của Bộ Chính trị về xây dựng
Đường Nguyễn Công Trứ và khu vực lân cận thuộc phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM tập trung rất nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán và trường đại học thuộc khối ngân hàng - Ảnh: T.T.D.
Thu hút người tài đến trung tâm tài chính
* Để sớm hình thành trung tâm tài chính, chúng ta cần tận dụng hạ tầng có sẵn tại khu trung tâm hiện hữu hay phát triển những khu mới như tại khu vực Thủ Thiêm?
- Trung tâm tài chính sẽ không chỉ là tòa tháp duy nhất mà là một khu vực với nhiều công trình, dự án kết nối và gắn kết với nhau. Các tòa nhà trong trung tâm tài chính sẽ không chỉ phục vụ các hoạt động tài chính mà còn có các dịch vụ hỗ trợ như căn hộ, nhà hàng, khách sạn...
Do đó, khu vực trung tâm TP như quận 1 tiếp giáp với các tuyến phố đi bộ, sông Sài Gòn nơi có nhiều tòa nhà văn phòng đã hoạt động, có thể được tận dụng để nhanh chóng hình thành trung tâm tài chính.
Còn khu Thủ Thiêm là khu vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển lớn, với lợi thế về quỹ đất và không gian rộng rãi, kết nối thuận lợi với khu vực trung tâm.
Ngoài ra, chúng ta còn nhiều khu dự án "quây tôn" ở trung tâm TP đang để trống do nhiều lý do pháp lý khác nhau; cần nhanh chóng có cơ chế để khơi thông các khu này thành các tòa tháp thương mại, ưu tiên cho lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính, công nghệ mới đi kèm ...
Giữa Thủ Thiêm và khu vực trung tâm quận 1 cần làm sao kết nối đôi bờ nhộn nhịp, gắn kết cộng đồng nhiều hơn, nhiều tiện ích hơn nữa.
* Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng, cần làm gì để thu hút và phát triển nhân lực phục vụ trung tâm này?
- Nguồn nhân lực chất lượng cao cho trung tâm tài chính nên để thị trường vận hành, sự định hướng cho các trường đại học đồng hành. Thị trường sẽ tự đào tạo ra các chuyên gia kiểm toán, kế toán, luật sư và những người làm trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tư, fintech...
Cần thu hút những người có kinh nghiệm, đặc biệt là những người Việt đang làm việc trong các quỹ đầu tư và ngân hàng đầu tư ở nước ngoài, để tạo nên các "làn sóng về nhân lực".
Việc thu hút nhân tài không chỉ là thu hút những người giỏi về chuyên môn mà còn là thu hút những người có ý tưởng sáng tạo và có thể đóng góp vào sự phát triển của trung tâm. Cũng cần thiết tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn, với các cơ chế chính sách thuận lợi cho môi trường sống.
Ở nhiệm vụ quốc gia và địa phương, TP cần tập trung vào những nhóm nhân sự quản lý khác nhau dựa trên bộ máy đang được định hướng thành lập. Từ nhận thức đến chương trình hành động, và quan trọng là kiếm được "đúng người, đúng việc", là bài toán không đơn giản.
Dĩ nhiên phải có đi rồi mới tới, và cần có kế hoạch với sự đồng hành cùng với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thực tiễn trong nước và quốc tế đã có kinh nghiệm.
* Vậy với những điều kiện có sẵn, cần làm gì để TP.HCM nhanh chóng có trung tâm tài chính quốc tế?
- Then chốt nhất trong thời điểm này là nếu làm đúng từ đầu thì việc xây dựng và phát triển sẽ nhanh. Ngược lại nếu sai từ đầu sẽ chậm mà chậm cái này sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác, với nhiều hệ lụy chưa thể lường trước.
Với trung tâm tài chính quốc tế, đây là dự án quan trọng mang tầm quốc gia cạnh tranh ở khu vực và toàn cầu nên các bước đi phải được bài bản và có tầm nhìn vượt ra những không gian, thời gian cố định.
TP.HCM chuẩn bị từ sớm
Tại cuộc họp ngày 2-1 về triển khai kết luận số 47 của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế ở Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua nhiều đề án, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính lớn trên thế giới.
Theo ông Nên, việc thành lập trung tâm tài chính sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn quốc tế, đồng thời mở rộng cơ hội thực hiện các dự án trọng điểm như đường sắt đô thị, vành đai và hệ thống cảng. Ngoài ra, trung tâm này còn góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và huy động thêm nhiều nguồn lực phát triển.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính TP.HCM đã được thành lập với 30 thành viên, do Bí thư Nguyễn Văn Nên làm trưởng ban. Đồng thời, một tổ giúp việc do Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi làm tổ trưởng cũng được thành lập để chuẩn bị đề án trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2025.
Những trung tâm tài chính hàng đầu châu Á
Theo xếp hạng Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) được công bố hồi tháng 9-2024, Hong Kong vừa qua đã vượt Singapore để trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Các chuyên gia nhận định lợi thế sở hữu một thị trường chứng khoán mạnh mẽ, với nhiều niêm yết mới, đã giúp nâng cao vị thế để Hong Kong trở thành một trung tâm tài chính hàng đầu trong khu vực.
Theo số liệu vào cuối năm 2021, vốn hóa thị trường chứng khoán Hong Kong là hơn 42.000 tỉ USD, với tổng cộng khoảng 2.500 công ty niêm yết. Tổng doanh thu cổ phiếu của Hong Kong năm 2021 cũng đạt mức cao kỷ lục là 41.000 tỉ HKD (khoảng 5.270 tỉ USD).
Phân tích chỉ ra rằng với sự hội tụ vốn và doanh nghiệp từ cả Trung Quốc đại lục và toàn cầu, cùng với lợi thế có thể tiếp cận qua lại với các thị trường tài chính của Trung Quốc, đã cho phép Hong Kong phát triển thành một thị trường vốn cả chiều sâu và chiều rộng với hoạt động giao dịch tích cực hơn. Qua đó, Hong Kong có vị thế vượt trội hơn các thị trường chứng khoán khác trong khu vực.
Hong Kong cũng là một trong những trung tâm giao dịch USD lớn nhất thế giới và là trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ lớn nhất ngoài đại lục.
Trong những năm gần đây, tài chính xanh cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc tại Hong Kong. Năm 2021, Hong Kong ghi nhận khoảng 31,3 tỉ USD trái phiếu xanh quốc tế được phát hành, chiếm 1/3 số trái phiếu loại này ở thị trường châu Á.
Về Singapore, trung tâm tài chính này có lợi thế hơn Hong Kong về mặt ngoại hối khi phục vụ cho khu vực ASEAN với nhiều loại tiền tệ.
Dưới thời thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu, Singapore với vị trí chiến lược trên bản đồ thế giới đã dần chuyển mình từ một trung tâm vận chuyển đến trung tâm tài chính toàn cầu.
Cố thủ tướng Lý Quang Diệu được cho là đã đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai của Singapore bằng cách thiết lập một hệ thống tài chính và pháp lý vững chắc, một chính phủ ổn định, cũng như hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.
Trong những năm 1980, Singapore chuyển trọng tâm sang tài chính, "mở cửa" cho ngành tài chính với các quy định nhẹ nhàng hơn. Báo Express Tribune nhận định chiến lược nền móng này đã mang lại hiệu quả, khi hiện có 4.200 công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại Singapore. Việc Singapore quy định thuế doanh nghiệp thấp, dao động từ 13,5 - 17%, cũng là yếu tố thu hút các doanh nghiệp đổ về đây.
Bên cạnh đó, sự phát triển trong lĩnh vực tài sản kỹ thuật số tại châu Á, chủ yếu ở Hong Kong và Singapore, cũng đang giúp hai thành phố này duy trì vị thế là hai trung tâm tài chính quan trọng của khu vực.
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/phat-trien-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-su-menh-quoc-gia-cua-tphcm-a148430.html