2024 đã khép lại với mức tăng trưởng hơn 12% của VN-Index - chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trái ngược với những kỳ vọng về sự quay trở lại của dòng vốn ngoại, năm 2024 lại là năm bán ròng kỷ lục của khối ngoại với cổ phiếu Việt Nam.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các thị trường cận biên (bao gồm Việt Nam) và mới nổi kém hấp dẫn hơn so với nhóm phát triển.
Giảm tỉ lệ sở hữu khối ngoại về đáy 10 năm
Cụ thể, theo dữ liệu từ Fiintrade - nền tảng phân tích giao dịch chứng khoán của Fiingroup, trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng hơn 93.000 tỉ đồng (3,7 tỉ USD) cổ phiếu Việt Nam, trong đó bán ròng trên HoSE khoảng 90.000 tỉ đồng, gấp gần 4 lần năm 2023.
Như vậy, lũy kế 5 năm từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện, nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 167.200 tỉ đồng, gần gấp đôi giá trị họ mua ròng trong 13 năm trước đó (2007 - 2019).
Fiintrade lưu ý, giá trị mua ròng này chỉ tính các giao dịch thứ cấp (không bao gồm các giao dịch sơ cấp thông qua các đợt phát hành riêng lẻ hoặc phát hành vốn cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết).
Bởi vậy, tại ngày 31-12-2024, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu trong nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua về 12,8% tính trên 3 sàn và 16,8% nếu chỉ tính trên HoSE.
Trong khi trước đây, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE đạt mức cao nhất là 21% vào đầu tháng 2-2020.
Nói với Tuổi Trẻ Online, giám đốc phân tích một công ty chứng khoán cho biết khối ngoại với khẩu vị yêu thích là các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Do vậy, với động thái "xả" cổ phiếu, rút tiền về mạnh mẽ trong năm ngoái, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và đầu ngành tiếp tục chịu áp lực với cường độ mạnh hơn năm 2023.
"Việt Nam vẫn là thị trường cận biên, cần nỗ lực để nâng hạng lên mới nổi, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư ngoại có quy mô lớn, mới. Nếu không khó tạo sự hấp dẫn", vị giám đốc nhấn mạnh.
Khẩu vị mua bán theo ngành của khối ngoại năm 2024 - Dữ liệu: Fiintrade
Xét theo ngành, top bán ròng của khối ngoại 2024 là bất động sản, ngân hàng, thực phẩm, thép, chứng khoán, công nghệ thông tin. Ở chiều mua ròng, nước ngoài mua ròng trở lại bán lẻ, kho bãi hậu cần và bảo dưỡng, vận tải thủy, giấy, nước.
Nhóm cổ phiếu nào bị khối ngoại bán mạnh nhất năm 2024
Còn xét theo cổ phiếu, danh mục mua ròng của họ đáng chú ý nhất là MWG của Thế Giới Di Động và STB của Sacombank khi đảo chiều từ trạng thái bán ròng mạnh trong năm 2023, còn lại phần lớn là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu bị nước ngoài bán ròng mạnh vẫn ghi nhận mức tăng giá vượt trội nhờ lực cầu khỏe từ NĐT trong nước (FPT, HDB, LPB…), tuy nhiên phần lớn bị "bầm dập" bởi lực bán từ khối ngoại, theo chuyên gia Fiintrade.
Quy mô bán ròng của nước ngoài đang thu hẹp dần trong các tháng gần đây, nhưng xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có tín hiệu "đảo ngược" khi mà dòng vốn vẫn đang điều hướng về thị trường Mỹ - nơi mà nền kinh tế và các loại tài sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt hơn các thị trường cận biên và mới nổi nhờ hưởng lợi từ các động lực mới từ Trump 2.0.
Sang những phiên đầu năm 2025, khối ngoại tiếp tục bán ròng. Song nhiều công ty chứng khoán dự báo dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp vào thị trường Việt Nam sẽ cải thiện tốt hơn, nhất là vào nửa cuối năm 2025.
Theo ABS, so với các nước Đông Nam Á, VN-Index hiện đang giao dịch với định giá (P/E) thấp hơn trung bình. Điều đó phản ánh thực tế hiệu suất sử dụng vốn (ROE) của VN-Index cao, trong khi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index vẫn ở mức tích cực.
Ngoài ra năm 2025, Mỹ và EU sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND sẽ được thu hẹp dần. Đồng thời các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và vận hành hệ thống giao dịch KRX là yếu tố hấp dẫn dòng tiền nhanh từ các quỹ ETF trong ngắn hạn.
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/khoi-ngoai-rut-tien-manh-nhat-lich-su-chung-khoan-viet-nhieu-co-phieu-bam-dap-a148429.html