Bên nào chịu thiệt khi cắt khí đốt của Nga qua Ukraine?

Dòng chảy khí đốt của Nga tới một số nước châu Âu đã bị dừng lại vào ngày đầu năm mới sau khi Ukraine từ chối đàm phán lại thỏa thuận quá cảnh giữa lúc xung đột với Moscow tiếp diễn.

Ukraine không muốn gia hạn thỏa thuận quá cảnh đã kéo dài 5 năm nhằm mục đích dừng nguồn thu mà Moscow có thể sử dụng cho chiến dịch quân sự nhưng động thái này có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Đông Âu. Transnistria – một khu vực ly khai của Moldova đã cắt nguồn cung cấp nhiệt và nước nóng cho các hộ gia đình.

Bên nào chịu thiệt khi cắt khí đốt của Nga qua Ukraine?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

"Động thái trên chấm dứt hoàn toàn sự chi phối của Nga với thị trường năng lượng EU", phóng viên Jonah Hull của Al Jazeera đưa tin từ thủ đô Kiev của Ukraine cho hay. Trước chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2/2022, Nga đã cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu qua đường ống của châu Âu.

Với việc đóng cửa đường ống dẫn khí lâu đời nhất của Nga tới châu Âu hoạt động trong hơn 40 năm, thị phần của Nga đã giảm xuống dưới 10%. Một đường ống dẫn khí khác đi qua Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cung cấp khí đốt cho các quốc gia như Hungary.

Vậy, việc khóa van khí đốt trong thời gian cao điểm của mùa đông sẽ ảnh hưởng thế nào đến các quốc gia, đặc biệt là ở Đông Âu và điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Tại sao dòng chảy khí đốt Nga vào châu Âu qua Ukraine bị dừng lại?

Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cho biết hôm 1/1 rằng nguồn cung khí đốt cho châu Âu đã bị dừng lại lúc 8 giờ sáng (giờ đại phương) sau khi công ty dầu mỏ và khí đốt sở hữu nhà nước Naftogaz của Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận trung chuyển mới nhất có thời hạn 5 năm.

Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko thông báo: "Chúng tôi đã dừng quá cảnh khí đốt Nga. Đây là một sự kiện lịch sử. Nga đang mất thị trường, họ sẽ phải chịu tổn thất tài chính. Châu Âu đã quyết định từ bỏ khí đốt Nga".

Hợp đồng mới nhất được ký lần đầu tiên vào năm 2020, theo đó, Ukraine được trả phí trung chuyển. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo, Kiev sẽ không gia hạn thỏa thuận quá cảnh trong bối cảnh xung đột tiếp diễn.

Nga xuất khẩu bao nhiêu khí đốt sang châu Âu?

Nhiều nước châu Âu bắt đầu giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Vào thời kỳ đỉnh cao, thị phần của Moscow đối với nhập khẩu khí đốt châu Âu đạt 35%, nhưng hiện đã giảm xuống còn khoảng 8%.

Liên minh châu Âu đã nhận được chưa tới 14 tỷ mét khối khí đốt từ Nga qua Ukraine tính đến ngày 1/12/2024, giảm so với mức 65 tỷ USD mỗi năm khi hợp đồng bắt đầu vào năm 2020.

Bên nào chịu thiệt khi cắt khí đốt của Nga qua Ukraine?- Ảnh 2.

Xuất khẩu khí đốt Nga tới châu Âu qua các năm. Nguồn: Al Jazeera

Khí đốt được vận chuyển qua đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod thời Liên Xô từ Siberia qua Sudzha - một thị trấn ở vùng Kursk của Nga hiện nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Ukraine. Khí đốt được vận chuyển qua Ukraine vào Slovakia. Tại đó, đường ống chia thành các nhánh để cung cấp cho Cộng hòa Séc và Áo.

Thỏa thuận quá cảnh đã mang lại lợi nhuận tài chính cho cả Nga và Ukraine.

Truyền thông Ukraine trích lời ông Serhii Makohon - cựu Giám đốc công ty vận chuyển khí đốt GTS Operator của Ukraine ước tính, Nga kiếm được số tiền từ thỏa thuận trung chuyển cao hơn đáng kể so với Ukraine.

Ông Serhii Makohon ước tính, Nga kiếm được 5 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Ukraine nhận được 800 triệu USD hàng năm "nhưng phần lớn số tiền này được chi cho chính hoạt động trung chuyển. Kho bạc của Ukraine nhận được 100 - 200 triệu USD tiền thuế và cổ tức", ông Serhii Makohon cho hay.

Bloomberg ước tính, lợi nhuận của Nga từ thỏa thuận này thậm chí còn cao hơn, khoảng 6,5 tỷ USD mỗi năm.

Những bên nào sẽ bị ảnh hưởng?

Áo, Slovakia và Moldova đang dựa vào tuyến đường trung chuyển trên cho nguồn cung năng lượng của mình. Áo đang nhận phần lớn khí đốt từ Nga qua Ukraine trong khi Slovakia nhận được khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt qua tuyến trung chuyển này hàng năm, tương đương khoảng 2/3 nhu cầu của nước này.

Cơ quan năng lượng Áo E-Control cho biết họ đã chuẩn bị cho việc chuyển đổi nguồn cung và sẽ không đối mặt với tình trạng gián đoạn. Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 1/1 thông báo, việc ngừng cung cấp sẽ khiến quốc gia Đông Âu này mất hàng trăm triệu USD doanh thu quá cảnh và phải nhập khẩu khí đốt từ những nơi khác với mức phí cao hơn.

Ông Fico khẳng định, điều này sẽ dẫn đến việc giá khí đốt tăng trên khắp châu Âu. Bộ Kinh tế Slovakia cho biết nước này sẽ phải chịu chi phí lên tới 177 triệu euro (184 triệu USD) để tiếp nhận khí đốt thông qua các tuyến đường thay thế.

Có lẽ hiện nay Moldova là nước dễ bị tổn thương nhất. Nga đã vận chuyển khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt qua Ukraine đến vùng ly khai Transnistria hàng năm kể từ 2022. Transnistria - giáp biên giới với Ukraine, sau đó sẽ bán điện, được tạo ra bằng khí đốt Nga, cho các khu vực do chính phủ kiểm soát của Moldova.

Moldova đã ban bố tình trạng khẩn cấp do tình trạng thiếu khí đốt sắp xảy ra. Tổng thống Moldova Maia Sandu đổ lỗi cho Gazprom vì không xem xét một tuyến thay thế và cho biết mùa đông ở Moldova năm nay sẽ "khắc nghiệt" nếu không có khí đốt Nga. Tuy nhiên, Thủ tướng Moldova Dorin Recean cho biết nước này đã đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt.

Ngày 1/1, Transnistria, nơi sinh sống của 450.000 người, đã cắt nguồn cung cấp nước nóng và sưởi ấm cho các hộ gia đình.

Theo Ủy ban châu Âu, bản thân Ukraine không sử dụng khí đốt trung chuyển của Nga, đồng thời cho biết khối này đã chuẩn bị cho việc nguồn cung trên bị cắt đứt.

Dòng chảy khí đốt Nga vào châu Âu có dừng lại hoàn toàn?

Đường ống qua Ukraine là một trong những tuyến đường cuối cùng được sử dụng để xuất khẩu khí đốt Nga. Các đường ống khác đã bị đóng sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra năm 2022, bao gồm đường ống Yamal-Europe qua Belarus và đường ống Dòng chảy phương Bắc dưới Biển Baltic vận chuyển khí đốt đến Đức.

Nga vẫn sử dụng đường ống TurkStream dưới Biển Đen để xuất khẩu khí đốt. Đường ống này có hai tuyến, một tuyến cung cấp cho thị trường trong nước tại Thổ Nhĩ Kỳ trong khi tuyến còn lại cung cấp cho các khách hàng ở Trung Âu, trong đó có Hungary và Serbia.

Tuy nhiên, đường ống TurkStream có công suất hàng năm hạn chế với cả hai tuyến cộng lại là khoảng 31,5 tỷ mét khối.

Những lựa chọn thay thế cho châu Âu

Châu Âu đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga bằng cách mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ, cùng với nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Na Uy.

"Cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không có nguồn gốc từ Nga cho Trung và Đông Âu qua các tuyến thay thế. Cơ sở hạ tầng này được tăng cường với công suất nhập khẩu LNG mới đáng kể từ năm 2022", Anna-Kaisa Itkonen, Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho hay.

Một nhà cung cấp năng lượng lớn tại Slovakia là SPP thông báo hôm 1/1 rằng họ đã chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi và sẽ cung cấp cho các khách hàng của mình thông qua các tuyến thay thế, chủ yếu từ Đức và Hungary. Tuy nhiên, họ nói thêm rằng họ sẽ phải đối mặt với các khoản chi phí quá cảnh bổ sung.

Theo cơ quan quản lý năng lượng Áo E-Control, Slovakia có thể nhận khí đốt từ Hungary, khoảng 1/3 từ Áo và phần còn lại từ Cộng hòa Séc và Ba Lan. Cộng hòa Séc cũng cho biết họ có thể cung cấp cho Slovakia năng lực vận chuyển và lưu trữ khí đốt.

Công ty năng lượng Transnistria Energocom đã tuyên bố hôm 31/12 rằng Moldova có thể đáp ứng 38% nhu cầu năng lượng của mình bằng sản xuất trong nước, bao gồm 10% từ năng lượng tái tạo. Energocom cũng tiết lộ Transnistria sẽ nhập khẩu 62% còn lại từ nước láng giềng Romania.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/ben-nao-chiu-thiet-khi-cat-khi-dot-cua-nga-qua-ukraine-a148176.html