Châu Á đối mặt với thách thức "già hoá dân số"

Châu Á đang phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng do tuổi thọ cao hơn và tỷ lệ sinh thấp hơn. Đây là xu hướng toàn cầu, nhưng Châu Á đang trải qua xu hướng này với tốc độ chưa từng có, đặt ra thách thức đối với sự phát triển kinh tế- xã hội.

Số liệu của Viện DTFA, một tổ chức nghiên cứu kinh tế thuộc tập đoàn Deloitte Tohmatsu cho thấy, Nhật Ban·đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Nước này đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ người cao tuổi, với 29,3% dân số từ 65 tuổi trở lên. Số ca sinh mới tại Nhật Bản trong năm 2024 dự kiến chỉ còn khoảng 690.000 trẻ, giảm xuống dưới mốc 700.000 lần đầu tiên kể từ khi chính phủ bắt đầu tổng hợp số liệu thống kê vào năm 1899. Tỷ lệ sinh tại Nhật Bản đang giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến khoảng 14 năm (2038).

Châu Á đối mặt với thách thức "già hoá dân số"- Ảnh 1.

Châu Á đối mặt với thách thức "già hoá dân số". Ảnh: The Independent

Chuyên gia kinh tế Charan Singh tại Ấn Độ đánh giá: “Nhật Bản đang chứng kiến tốc độ già hoá dân số rất nhanh với gần 30% dân số trên 65 tuổi, khoảng 10% dân số trên 80. Điều này được phản ánh trong nền kinh tế, đó là tình trạng thiếu hụt lao động và một số công ty bị phá sản đang tác đọng đến tăng trưởng của Nhật Bản. Nhập cư là một trong những giải pháp giúp giải quyết vấn đề và Nhật Bản cũng triển khai nhiều chính sách để cải thiện tỷ lệ sinh.”

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất gặp phải vấn đề này. Các nước láng giềng Đông Á, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Những lo ngại về tài chính, thu nhập giảm sút, môi trường, không gian làm việc là những lý do dẫn đến tâm lý “ngại kết hôn” hay “ngại sinh con” ở người trẻ.  Cùng với đó, do những yếu tố về văn hoá, trách nhiệm chăm sóc con cái vẫn chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, khiến họ gặp trở ngại trong việc cân bằng cuộc sống, cũng như thăng tiến trong sự nghiệp.

Một số người trẻ tại Hàn Quốc cho biết: “Chắc chắn sẽ có trường hợp con tôi bị ốm và tôi phải rời cơ quan để chăm sóc. Nhưng với môi trường làm việc hiện nay, phụ nữ không thể cứ rời khỏi cơ quan bất cứ khi nào họ muốn để chăm sóc con ốm. Điều  đó có thể gây cản trở cho sự nghiệp của họ. Vì vậy, tôi nghĩ đây là lý do lớn nhất khiến những người trẻ tuổi không muốn có con."

“Tôi cần dành thời gian để chăm sóc con nhưng điều khó khăn nhất là không phải lúc nào tôi cũng đảm bảo được thời gian khi đi làm. Vì vậy, tôi nghĩ chính phủ và các doanh nghiệp cần hợp tác, tạo môi trường để cha mẹ  nuôi dạy con cái và có một gia đình hạnh phúc”, một người khác nói.

Trong nỗ lực đảo ngược tình trạng tỷ lệ sinh đang giảm của đất nước, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch thành lập một bộ mới về chiến lược dân số nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học.  Trong khi đó, Chính phủ Singapore đã tăng thời gian nghỉ thai sản được chính phủ chi trả lên 4 tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp công việc linh hoạt để giúp cha mẹ quản lý tốt hơn các cam kết công việc và nghĩa vụ gia đình. Còn tại Nhật Bản, Chính phủ nước này đã đưa ra các chính sách như cung cấp thêm kinh phí cho việc nuôi dạy trẻ em và hỗ trợ xây dựng thêm nhiều cơ sở chăm sóc trẻ em trong nước. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sinh sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động trong ngắn hạn. Vì vậy, Nhật Bản đã liên tục mở cửa cho nhiều người di cư hơn trong những năm gần đây, đạt kỷ lục 2 triệu lao động nước ngoài vào năm 2024 và hướng tới con số 800.000 người nữa trong năm năm tới.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/chau-a-doi-mat-voi-thach-thuc-gia-hoa-dan-so-a146731.html