Các giám đốc điều hành của 3 công ty tinh chế dầu thô do nhà nước sở hữu của Ấn Độ, bao gồm Indian Oil Corp., Bharat Petroleum Corp. và Hindustan Petroleum Corp., đã tiết lộ về thông tin này. Họ cho biết các công ty không không thể mua đủ lượng dầu thô từ Nga để đưa vào thị trường giao ngay vào tháng 1.
Các giám đốc điều hành nói rằng họ cần ít nhất 6 triệu thùng dầu thô Ural khi mua trên thị trường giao ngay, song nguồn cung lại không đủ. Trên thị trường này, số lượng đề nghị mua lại rất ít. Có thể, một số yếu tố như hợp đồng dài hạn giữa Rosneft và công ty lọc dầu tư nhân Reliance Industries và tỷ lệ dầu tinh chế của Nga cao hơn là tác nhân chính khiến lượng xuất khẩu dầu thô thấp hơn.
Ngoài ra, những người này cũng cho biết đây có thể là cách Moscow giảm sản lượng giao ngay vốn được các thương nhân bán ra để hỗ trợ hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất của Nga. Các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ hiện đang mua toàn bộ lượng dầu thô Nga thông qua thị trường giao ngay, trong khi các công ty tư nhân lại ký kết cả hợp đồng giao ngay và dài hạn.
Nhà điều hành của các công ty này cho biết họ có lựa chọn thay thế là nguồn cung từ Trung Đông và châu Phi, song giá thành đắt hơn sẽ ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận. Các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước đã mua khoảng 1 triệu thùng dầu thô Nga/ngày trong năm nay, tăng mạnh so với mức gần như không nhập khẩu trước khi xung đột với Ukraine xảy ra.
Moscow thường cam kết nguồn cung dầu thô với các công ty Ấn Độ thông qua các hợp đồng dài hạn, thường được thực hiện giữa các công ty nhà nước của Nga như Rosneft và Gazprom cùng các bên mua từ châu Á. New Delhi cũng ủng hộ các thoả thuận như vậy và đã thúc giục các nhà máy lọc dầu trong nước cùng nhau đàm phán để có những điều khoản tốt hơn. Tuy nhiên, một số công ty vẫn chưa chấp nhận mức giá chào bán ban đầu và các điều khoản.
Đầu tháng 12, Reuters đưa tin rằng Reliance đã “chốt đơn” với Rosneft với hợp đồng cung cấp 500.000 thùng/ngày trong 10 năm. Ngoài ra, thoả thuận này có thể khiến Nga giảm lượng bán dầu thô trên thị trường giao ngay vì chưa đủ nguồn cung.
Tổng hợp