Dù chưa tới Tết dương lịch, các sản phẩm Tết Nguyên đán như áo dài, yếm, các phụ kiện thời trang Tết đã "lên sóng" sôi động. Không khí mua sắm trên
Chợ mạng tung ra nhiều ưu đãi hấp dẫn dịp cận Tết - Ảnh: BÉ HIẾU
Với mong muốn sở hữu bộ ảnh Tết lung linh để khoe trên mạng xã hội, Ngọc Trang (23 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) đã bắt đầu kế hoạch sắm Tết từ giữa tháng 11. Không chỉ mua áo dài, Ngọc Trang còn đầu tư thêm phụ kiện như bờm tóc, hoa tai, giỏ xách... để lên hình xinh đẹp nhất.
Trang cho hay thuê áo dài thường tốn khoảng 100.000 đồng/lần, nhưng lại bị giới hạn thời gian sử dụng và công sức trả đồ. Thay vào đó, chỉ với hơn 200.000 đồng cô đã sở hữu một chiếc áo dài cách tân hợp xu hướng. "Nếu chịu khó săn hàng trong các buổi livestream hoặc sự kiện giảm giá như 12-12, giá có thể còn rẻ hơn nữa", Trang chia sẻ.
Không riêng gì Ngọc Trang, theo báo cáo của Công ty phân tích dữ liệu thị trường Metric, những năm gần đây áo dài với giá từ 200.000 - 350.000 đồng là phân khúc được người tiêu dùng Việt ưa chuộng nhất.
Trong 9 tuần trước Tết âm lịch 2024, doanh số bán áo dài trên Shopee đạt 213 tỉ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng bán ra đạt 924.000 sản phẩm, tăng trưởng 269%. Giai đoạn từ 2-4 tuần trước Tết được xem là thời điểm vàng để mua sắm áo dài.
Không chỉ thời trang, các sản phẩm làm đẹp như mỹ phẩm dưỡng da và chăm sóc tóc cũng được giới trẻ săn đón sớm để "tân trang" nhan sắc đón Tết. Nguyễn Thị Lan (24 tuổi, quận 3) cho biết trong đợt giảm giá 12-12, cô đã săn được nhiều món mỹ phẩm giá hời qua livestream của một KOL nổi tiếng. "Mình rất hài lòng khi mua được hũ kem ủ tóc giảm gãy rụng giá chỉ còn 183.000 đồng, trong khi giá gốc là 430.000 đồng", Lan chia sẻ.
Theo Lan, mua sắm qua các sàn thương mại điện tử không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn được tặng kèm nhiều quà tặng hấp dẫn. Ví như mua kem dưỡng da thường được tặng thêm sản phẩm dùng thử bản nhỏ gọn, tiện lợi khi mang về quê hoặc đi du lịch Tết.
Tập trung vào dịch vụ hậu mãi, chất lượng để cạnh tranh
Nắm bắt xu hướng mua sắm Tết sớm, nhiều thương hiệu thời trang đã nhanh chóng tung ra các sản phẩm đậm chất lễ hội. Bà Ngô Lương Thảo Nguyên, đại diện Miều Fashion, chia sẻ rằng thương hiệu đã giới thiệu bộ sưu tập Tết từ dịp Black Friday và tích cực quảng bá qua các nền tảng như TikTok, Shopee, Facebook để tiếp cận khách hàng.
Tương tự, ông Bùi Hữu Nghĩa, nhà sáng lập Vicolas - thương hiệu chuyên kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, cho biết công ty đã ra mắt bộ sưu tập thời trang Tết với các sản phẩm như áo dài cách tân, váy và quần. Giá các sản phẩm dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/bộ, nhắm đến phân khúc cận trung. Ông Nghĩa dự báo cao điểm mua sắm sẽ diễn ra từ tháng 1-2025, đặc biệt sôi động từ ngày 3 đến 15-1.
Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ áo dài giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử, Vicolas chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời áp dụng các chương trình khuyến mãi như mua 2 tặng 1, đồng giá, giảm giá 50%. Chính sách hậu mãi tốt cũng là lợi thế cạnh tranh nổi bật của thương hiệu.
Ông Ngô Văn Hùng, đại diện thương hiệu V-sixtyfour, cho biết để đón Tết Nguyên đán 2025, thương hiệu sẽ ra mắt bộ sưu tập gồm 30 mẫu sản phẩm mới. Điểm nhấn là thiết kế áo dài làm từ chất liệu jean, lần đầu tiên giới thiệu đến người tiêu dùng.
Dự đoán năm 2025 tiếp tục khó khăn với xu hướng chi tiêu tiết kiệm, V-sixtyfour đã điều chỉnh giá sản phẩm, giảm 10-15% so với năm trước nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và độ bền. Thương hiệu cũng triển khai các chương trình khuyến mãi như giảm 20% cho khách hàng mới, bốc thăm lì xì với giá trị giải thưởng lên đến 500.000 đồng.
Song song với các cửa hàng truyền thống, V-sixtyfour tập trung đầu tư kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt qua livestream - hình thức mua sắm đang thịnh hành. Thương hiệu tổ chức các buổi "mega lives" hai lần mỗi tháng với sự tham gia của KOL nổi tiếng, đồng thời đội ngũ nhân viên thực hiện livestream nhỏ ba lần mỗi tuần để duy trì kết nối khách hàng.
Ông Hùng kỳ vọng doanh thu từ kênh online tăng 40% và doanh số offline tăng 30%, giúp tổng doanh thu mùa Tết 2025 tăng 80% so với ngày thường.
Xu hướng mua sắm trên sàn thương mại điện tử 2025
Báo cáo mới nhất của Metric về hành vi tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử cho thấy thời trang, thực phẩm và chăm sóc sắc đẹp tiếp tục là nhóm sản phẩm bán chạy nhất dịp Tết Nguyên đán 2025.
Theo thống kê, nhu cầu mua sắm trực tuyến tập trung vào hai giai đoạn chính. Giai đoạn đầu diễn ra trong các sự kiện khuyến mãi lớn như Black Friday, ngày 12-12, khi người tiêu dùng ưu tiên tìm mua thời trang, đồ gia dụng và sản phẩm làm đẹp. Giai đoạn sát Tết, từ 2-5 tuần trước kỳ nghỉ, các sản phẩm như thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, đồ uống không cồn và bộ quà tặng trở nên đặc biệt hút khách.
Các chuyên gia Metric nhận định trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ và kinh tế gặp nhiều thách thức, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. Họ lên kế hoạch mua sắm từ sớm, ưu tiên săn các chương trình khuyến mãi lớn. Đặc biệt, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất, với xu hướng chọn các sản phẩm tốt cho sức khỏe ngày càng rõ rệt.
TikTok Shop khởi động chiến dịch Tết với nhiều ưu đãi hấp dẫn
Bà Nguyên Ngô, quản lý marketing TikTok Shop tại Việt Nam, cho biết dịp Tết Nguyên đán 2025, nền tảng sẽ triển khai chuỗi sự kiện "Sắm Tết bao vui" từ 25-12-2024 đến 15-1-2025 với nhiều ưu đãi hấp dẫn như giảm giá 50% và voucher lên đến 2.025.000 đồng.
TikTok Shop còn đẩy mạnh chính sách giao hàng nhanh kèm ưu đãi vận chuyển, đảm bảo quy trình hoàn trả hoặc hoàn tiền liền mạch nếu người mua không hài lòng.
Với người bán, TikTok Shop tổ chức các chương trình hỗ trợ đặc biệt như "Siêu hội ngành hàng - Super Brand Festival" và "Ngày hội hàng Việt". Các sự kiện này giúp nhà bán hàng địa phương tối ưu hóa doanh số trong mùa cao điểm cuối năm, tạo cơ hội bứt phá trên nền tảng thương mại điện tử.
Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/cho-mang-vao-cao-diem-tet-a146188.html