Qatar dọa sẽ dừng xuất khẩu các lô hàng khí đốt quan trọng tới EU nếu các quốc gia thành viên của khối trừng phạt hà khắc các công ty mà họ cho là không đáp ứng các tiêu chí về khí thải carbon.
Tháng 5 năm nay, EU đã thông qua các quy định đánh giá doanh nghiệp nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Quy định dự kiến có hiệu lực từ năm 2027.
Luật này yêu cầu các quốc gia EU xử phạt hành vi không tuân thủ quy định trên của khối, với mức phạt là lên đến 5% doanh thu mỗi năm trên toàn cầu của các công ty vi phạm.
Nói với tờ Financial Times, Bộ trưởng năng lượng Qatar Saad al-Kaabi nhấn mạnh nếu bất kỳ quốc gia EU nào áp dụng hình phạt theo chỉ thị đánh giá doanh nghiệp trên thì Doha sẽ ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang khối này.
“Nếu mất 5% doanh thu khi đến châu Âu, chúng tôi sẽ không xuất khẩu sang châu Âu. Tôi không nói suông”, Bộ trưởng Kaabi nói.
“5% doanh thu của QatarEnergy là 5% doanh thu của nhà nước Qatar. Đây là tiền của người dân. Vì vậy, chúng tôi không thể mất số tiền đó và không ai chấp nhận mất số tiền đó”, ông nói.
Các quy định mới đã gây ra phản ứng dữ dội từ các công ty, cả trong và ngoài EU. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng chúng quá hà khắc và giảm khả năng cạnh tranh của họ.
Qatar là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng hàng đầu thế giới, với tài nguyên chính là khí đốt có trữ lượng hơn 25.000 tỉ m3, đứng thứ 3 thế giới; dầu mỏ có trữ lượng 25,24 tỉ thùng (đứng thứ 14 thế giới), sản lượng 1,53 triệu thùng/ngày. QatarEnergy là công ty dầu khí nhà nước của Qatar, chịu trách nhiệm quản lý tất cả các hoạt động dầu khí trong nước.
Qatar đã trở thành nhà cung cấp khí đốt ngày càng quan trọng cho châu Âu sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Khi các quốc gia châu Âu tìm cách cai nghiện khí đốt của Nga, QatarEnergy đã ký các thỏa thuận dài hạn để cung cấp LNG cho Đức, Pháp, Ý và Hà Lan.
Theo FT