Mỹ công bố nhà máy nhiệt hạch quy mô lưới điện đầu tiên trên thế giới

Nhà máy nhiệt hạch đầu tiên trên thế giới dự kiến sẽ đi vào hoạt động tại Virginia, Mỹ, đánh dấu bước ngoặt mới trong hành trình thương mại hóa năng lượng sạch.

Công ty Commonwealth Fusion Systems (CFS) vừa công bố kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhiệt hạch đầu tiên trên thế giới tại bang Virginia, Mỹ. Dự kiến, nhà máy sẽ cung cấp năng lượng sạch và bắt đầu hòa lưới điện vào đầu thập niên 2030.

Theo CEO Bob Mumgaard, nhà máy sẽ được xây dựng gần thành phố Richmond với mức đầu tư hàng tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến sản xuất 400 megawatt điện, đủ cung cấp cho khoảng 150.000 hộ gia đình. Ông khẳng định: "Đây sẽ là lần đầu tiên năng lượng nhiệt hạch được đưa vào sử dụng ở quy mô lưới điện".

Thống đốc bang Virginia, Glenn Youngkin, đã hoan nghênh kế hoạch này và gọi đây là "một khoảnh khắc lịch sử không chỉ với bang Virginia mà còn với toàn thế giới".

Năng lượng nhiệt hạch là quá trình hợp nhất các nguyên tử để tạo ra năng lượng – tương tự cách các ngôi sao như Mặt Trời tạo ra ánh sáng. Khác với năng lượng hạt nhân hiện tại (phân hạch), nhiệt hạch không tạo ra chất thải phóng xạ dài hạn và không gây ô nhiễm khí hậu.

Dù vậy, việc thương mại hóa công nghệ này vẫn là một thách thức lớn. CFS hy vọng nhà máy tại Virginia sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong việc hiện thực hóa nguồn năng lượng sạch dồi dào, thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Mỹ công bố nhà máy nhiệt hạch quy mô lưới điện đầu tiên trên thế giới- Ảnh 1.

Plasma được giới hạn trong một tokamak do Energy singularity, một công ty khởi nghiệp về phản ứng tổng hợp hạt nhân của Trung Quốc thiết kế, trong một thí nghiệm. (Ảnh: CNN)

Nhà máy sẽ được đặt tại James River Industrial Center, một khu vực thuộc sở hữu của Dominion Energy – công ty sẽ cho thuê địa điểm và hỗ trợ kỹ thuật. Theo CFS, địa điểm này được chọn vì có nền kinh tế đang phát triển, lực lượng lao động có tay nghề, định hướng năng lượng sạch và khả năng hòa lưới điện sau khi một nhà máy than đá gần đó ngừng hoạt động.

CFS cho biết mục tiêu của họ không dừng lại ở nhà máy đầu tiên. Công ty có kế hoạch xây dựng hàng nghìn nhà máy tương tự trên toàn thế giới trong tương lai, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt từ các trung tâm dữ liệu.

Dù được kỳ vọng lớn, năng lượng nhiệt hạch vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Ông Mumgaard thừa nhận: "Sẽ có những trở ngại trên hành trình này, và mọi thứ sẽ không thay đổi ngay lập tức". Tuy nhiên, ông tin rằng nhà máy ở Virginia là bước khởi đầu cho chương mới trong cuộc cách mạng năng lượng nhiệt hạch toàn cầu.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/my-cong-bo-nha-may-nhiet-hach-quy-mo-luoi-dien-dau-tien-tren-the-gioi-a146051.html