Tàu hyperloop mới của Trung Quốc phá kỷ lục tốc độ; Công ty của Elon Musk từng thất bại trong lĩnh vực này; Tàu siêu tốc vẫn có nhược điểm.
Telegraph ngày 19/12 đưa tin, các báo cáo gần đây cho thấy các cuộc thử nghiệm đối với tàu “hyperloop” mới của Trung Quốc – loại tàu chạy xuyên không khí trong các cấu trúc hình ống – đã có những tiến triển tốt, mặc dù vẫn chưa đạt được tốc độ 1.000 km/h.
Người Trung Quốc không phải là những người đầu tiên cố gắng cách mạng hóa giao thông theo cách này. Ý tưởng sử dụng hệ thống ống khí nén và khí nén để tạo lực đẩy lần đầu tiên được đưa ra cách đây hơn 200 năm. Và gần đây hơn, các tỷ phú Elon Musk và Richard Branson cũng ủng hộ việc này.
Nhưng trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt qua mọi đối thủ trong cuộc đua đường sắt cao tốc thông thường, và dường như có đủ nguồn lực, tầm nhìn và quyết tâm để đưa nó lên một tầm cao mới.
Tàu siêu tốc của Trung Quốc nhanh đến mức nào?
Theo Telegraph, trong các cuộc thử nghiệm vào đầu năm nay, đoàn tàu có tên mã "T-Flight" của Trung Quốc được cho là đã phá kỷ lục thế giới với tốc độ 623 km/h.
Những người đứng sau dự án này cho biết đoàn tàu có khả năng tăng tốc lên 1.000 km/h, nhanh hơn cả tốc độ 900 km/h của máy bay Boeing 737.
Một số báo cáo cho rằng đoàn tàu có thể phá vỡ rào cản âm thanh với tốc độ 2.000 km/h, không kém xa so với máy bay siêu thanh huyền thoại Concorde.
T-Flight hoạt động ra sao?
Các đoàn tàu T-Flight sử dụng công nghệ “maglev” (nâng từ trường), trong đó lực từ nâng các toa tàu lên khỏi đường ray, loại bỏ sự cần thiết của bánh xe và giảm đáng kể ma sát.
Thay vì di chuyển trên không, những đoàn tàu nổi thế hệ mới này sử dụng công nghệ “hyperloop” để chạy trong các đường ống có áp suất chân không thấp, cho phép tàu tăng tốc nhanh hơn.
Ngoài việc đây là một phương tiện vận chuyển nhiều người cực kỳ nhanh chóng và hiệu quả, những người ủng hộ dự án cho biết hình thức di chuyển này có thể giúp giảm lượng khí thải nhà kính cũng như ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
T-Flight sẽ được sử dụng để làm gì?
Mục đích chính của tàu T-Flight là giúp 1,4 tỷ dân Trung Quốc di chuyển nhanh chóng và dễ dàng giữa các đại đô thị, nối liền đất nước rộng lớn này theo cách mà đường sắt từng làm ở Bắc Mỹ, Nga và các thuộc địa cũ của Anh như Ấn Độ hồi thế kỷ 19.
T-Flight cũng sẽ cho phép Trung Quốc thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường bằng cách tăng cường kết nối với các nước láng giềng.
Tàu chở khách nhanh nhất thế giới hiện tại
Theo Telegraph, với tốc độ tối đa 431 km/h, đoàn tàu nhanh nhất thế giới hiện nay là tàu đệm từ Thượng Hải, có khả năng hoàn thành quãng đường dài 30,6 km từ sân bay đến thành phố trong vòng chưa đầy 8 phút.
Tại Nhật Bản, một tàu đệm từ khác, L0 Series, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027, đã đạt tốc độ thử nghiệm là 603 km/h – một kỷ lục thế giới trước khi bị T-Flight vượt qua.
Theo kế hoạch, tàu T-Flight của Trung Quốc có thể đi vào hoạt động trong vòng một thập kỷ tới.
Giấc mơ hyperloop của Elon Musk đã đi về đâu?
Telegraph đưa tin, vào năm 2013, tỷ phú Elon Musk đã tiết lộ tầm nhìn của mình về một hệ thống vận tải hyperloop sử dụng năng lượng từ các tấm pin mặt trời có thể đẩy các khoang hành khách đi qua các ống chân không thấp với tốc độ 1.220 km/h, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các thành phố Los Angeles và San Francisco của Mỹ xuống chỉ còn hơn 30 phút.
Hyperloop One - một công ty được thành lập để phát triển ý tưởng của Musk - đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả tỷ phú Anh Richard Branson, nhưng cuối cùng đã không thành công và dừng hoạt động vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, Boring Company - một liên doanh khác của ông Musk - vẫn tiếp tục nghiên cứu xây dựng đường hầm liên quan đến hyperloop.
Tại sao công nghệ hyperloop lại gây tranh cãi?
Theo Telegraph, mặc dù nghe có vẻ tuyệt vời là tạo điều kiện cho việc di chuyển cực nhanh theo cách ít gây hại cho môi trường hơn, nhưng việc phát triển công nghệ hyperloop đã cho thấy rất nhiều khó khăn và cực kỳ tốn kém.
Các đường ống dành cho tàu hyperloop không thể chạy dọc theo các đường ray hiện có, đòi hỏi phải phát triển cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới; và cũng rất khó để thiết kế các khúc cua trong các đường ống vốn là các đường thẳng dài.
Nước nào cũng đang nghiên cứu về tàu siêu tốc?
Theo Telegraph, ngoài Trung Quốc, công nghệ hyperloop đang được thử nghiệm ở Thụy Sĩ, Hà Lan, Mỹ và Canada. Ấn Độ cũng có kế hoạch bắt đầu nghiên cứu từ năm 2026.
Tàu đệm từ ngoài trời (tức là không di chuyển trong đường ống) hiện chỉ hoạt động ở ba quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - nơi khai sinh ra tàu siêu tốc Shinkansen.
Còn Đức đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thống đệm từ.
Ngoài các cường quốc châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; ở châu Âu, Tây Ban Nha, Pháp và Đức đều có mạng lưới đường sắt cao tốc phát triển.
Trong khi đó, Anh tụt hậu khá xa; cũng như Mỹ, từng là siêu cường về đường sắt, nhưng từ lâu đã tập trung phát triển máy bay và ô tô.
Nhược điểm của tàu siêu tốc
Theo Telegraph, mặc dù nhanh, nhưng việc di chuyển với tốc độ rất cao trong một khoang tàu chạy dọc đường ống có nghĩa là có rất ít cơ hội để ngắm nhìn quang cảnh xung quanh và tận hưởng cảm giác đang đi du lịch.
Và cũng có thể có vấn đề với kết nối không dây.
Vậy tàu siêu tốc có trở thành hiện thực?
Cuộc thử nghiệm thành công gần đây của T-Flight tại Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ tin rằng có thể có sự quan tâm mới và làn sóng đầu tư vào công nghệ hyperloop.
Andrés de León - CEO của công ty HyperloopTT có trụ sở tại Mỹ - nói với trang tin IFLScience rằng: "Thành công của Trung Quốc là minh chứng rõ ràng cho thấy công nghệ hyperloop không phải là một giấc mơ xa vời mà là một hiện thực đang nổi lên nhanh chóng."
Nhưng vẫn có những người hoài nghi.
Mark Smith - người sáng lập trang web đường sắt seat61.com - cho biết: "Tôi sẽ tin khi tận mắt chứng kiến".
"Tuy nhiên, nếu có ai đó có thể thực hiện thành công thì đó sẽ là người Trung Quốc. Họ có tầm ảnh hưởng và họ không phải lo lắng về những thứ như phân tích chi phí - lợi ích", Smith nói.