Argentina và Brazil đang tăng cường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhằm tận dụng lợi thế từ nguy cơ căng thẳng thương mại leo thang giữa Bắc Kinh và Washington trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Trung Quốc đang chấp thuận nhập khẩu nông sản từ nhiều quốc gia hơn nhằm đa dạng hóa nguồn cung ngũ cốc. Nam Mỹ, nơi có nhiều quốc gia với nền nông nghiệp phát triển, là một lựa chọn thay thế hấp dẫn.
Argentina sẽ sớm bắt đầu xuất khẩu lúa mì sang Trung Quốc. Đầu tháng 12, Gustavo Idigoras, chủ tịch của nhóm ngành xuất khẩu ngũ cốc CIARA-CEC, cho biết giá lúa mì của Argentina năm nay là cạnh tranh nhất thế giới.
Trung Quốc vốn chủ yếu mua lúa mì từ Mỹ, Asustralia và Canada. Nhưng nước này hiện đã chấp thuận giao dịch với các nhà sản xuất lúa mì Argentina mà trước đây Bắc Kinh đã cấm do sử dụng thuốc trừ sâu.
Argentina là nước xuất khẩu lúa mì lớn và đang kỳ vọng vào một mùa bội thu trong năm nay. Xuất khẩu lúa mì của nước này đạt khoảng 14 triệu tấn vào năm 2022, chủ yếu sang Brazil và Chile, nhưng giảm xuống còn khoảng 3 triệu tấn vào năm 2023 do hạn hán nghiêm trọng.
Argentina gần đây cũng đã được chính phủ Trung Quốc cho phép xuất khẩu ngô sang nước này. Mỹ và Brazil hiện là nước xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới.
Các động thái của Argentina diễn ra khi ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc có thể trả đũa thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Cuộc cạnh tranh này sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia khác giành lấy thị phần xuất khẩu từ Mỹ.
Đối với Argentina, việc tăng cường thương mại với Trung Quốc là cơ hội quan trọng để kiếm ngoại tệ.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Trung Quốc đã áp đặt thuế trả đũa đối với đậu nành, lúa mì và các sản phẩm khác của Mỹ.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Argentina, với dư địa xuất khẩu lớn.
Bên cạnh Argentina, Brazil cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Theo dữ liệu thương mại từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Brazil là nước xuất khẩu ngô lớn nhất sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay, chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu ngô của Trung Quốc.
Mỹ đứng thứ 3. Năm 2017, trước khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nổ ra, quốc gia này đứng thứ 2, chiếm 27%.
Brazil là nước cung cấp thực phẩm lớn nhất của Trung Quốc và đã hưởng lợi nhiều từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc tăng 34% vào năm 2018, đưa Brazil trở thành nhà cung cấp đậu nành và các sản phẩm khác thay thế chính cho Trung Quốc.
Brazil cũng là nguồn nhập khẩu đậu nành lớn nhất của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm, chiếm 70%. Mỹ đứng thứ hai với khoảng 20%. Năm 2017, Brazil chiếm 50% và Mỹ chiếm hơn 30%.
Tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil đã tăng từ 20% năm 2016 lên 31% năm 2023.
Theo Nikkei Asia