"Thối não" và mặt trái của mạng xã hội

"Brain rot", tạm dịch là "thối não", vừa được Nhà Xuất bản ĐH Oxford (đơn vị xuất bản Từ điển tiếng Anh Oxford của Anh) công bố là "Từ của năm 2024".

Trước đó, hơn 37.000 người đã tham gia bỏ phiếu để chọn ra từ của năm từ danh sách 6 từ được Oxford đề cử.

Theo trang thông tin của ĐH Oxford, "brain rot" được định nghĩa là "sự suy giảm về trạng thái tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt được xem là kết quả của việc tiếp thu quá mức các nội dung (chủ yếu là nội dung trực tuyến trong bối cảnh hiện tại) bị xem là tầm thường hoặc không có tính thử thách".

"Thối não" và mặt trái của mạng xã hội- Ảnh 1.

Học sinh trung học ở TP Melbourne - Úc với điện thoại di động hiển thị các ứng dụng mạng xã hội. Ảnh: REUTERS

Các chuyên gia Oxford nhận thấy "brain rot" trở nên nổi bật hơn trong năm nay khi tác động của việc xem quá nhiều nội dung trực tuyến chất lượng thấp - nhất là trên mạng xã hội - ngày càng gây lo ngại. Theo thống kê, tần suất sử dụng từ này đã tăng 230% trong giai đoạn 2023-2024.

Được "hâm nóng" bởi mạng xã hội, nổi bật là trên các kênh TikTok của người dùng thuộc Gen Z và Gen Alpha, "brain rot" trở nên phổ biến hơn và có nghĩa được mở rộng hơn. Từ này dùng để chỉ nội dung trực tuyến có chất lượng và giá trị thấp trên internet và mạng xã hội, cũng như tác động tiêu cực từ việc tiêu thụ loại nội dung này đối với cá nhân hoặc xã hội.

Ông Casper Grathwohl, Chủ tịch Công ty Oxford Languages (Anh), nhận định "brain rot" phản ánh một trong những nguy cơ của cuộc sống ảo và cách chúng ta sử dụng thời gian rảnh. Nó giống như một chương tiếp theo hợp lý trong cuộc đối thoại văn hóa về nhân loại và công nghệ.

Theo ông Grathwohl, thật thú vị khi từ "brain rot" được chính Gen Z và Gen Alpha quan tâm sử dụng vì đó là những cộng đồng chịu trách nhiệm chính trong việc dùng và tạo ra nội dung số mà thuật ngữ này đề cập.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/thoi-nao-va-mat-trai-cua-mang-xa-hoi-a142672.html