Đội ngũ trợ lý của ông Trump tính chuyện đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên

Đội ngũ trợ lý của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bàn bạc về khả năng đàm phán trực tiếp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, hy vọng nỗ lực ngoại giao mới sẽ giảm bớt nguy cơ xung đột vũ trang, Reuters dẫn các nguồn tin nắm được tình hình cho biết.

Đội ngũ trợ lý của ông Trump tính chuyện đàm phán trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên- Ảnh 1.

Ông Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un trong lần gặp gỡ ở khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. (Ảnh: Getty)

Nhiều người trong đội ngũ trợ lý của ông Trump cho rằng cách tiếp cận trực tiếp nhằm xây dựng mối quan hệ đã có sẽ giúp phá băng, sau nhiều năm hai bên liên tục khẩu chiến rồi lại trao đổi những lá thư mà ông Trump gọi là “tuyệt đẹp” trong nỗ lực ngoại giao chưa từng có vào nhiệm kỳ đầu của ông.

Việc thảo luận chính sách vẫn đang trong giai đoạn đầu và chưa có quyết định cuối cùng nào được Tổng thống đắc cử Trump đưa ra, các nguồn tin cho biết. Đội ngũ chuyển giao của ông Trump chưa phản hồi đề nghị bình luận.

Không rõ ông Kim sẽ chấp nhận nhượng bộ gì với ông Trump. Triều Tiên đã phớt lờ những nỗ lực tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden suốt 4 năm qua, trong khi Bình Nhưỡng ngày càng tự tin với kho vũ khí tên lửa mở rộng và mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

“Chúng tôi đã đi xa nhất có thể trong việc đàm phán với Mỹ”, ông Kim phát biểu tại một triển lãm quân sự ở Bình Nhưỡng tuần trước.

Trong nhiệm kỳ 2017-2021, ông Trump đã có 3 cuộc gặp với ông Kim, tại Singapore, Hà Nội và khu vực biên giới Triều Tiên, đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm đặt chân lên đất Triều Tiên.

Tuy nhiên, những cuộc gặp này không mang lại kết quả cụ thể, dù ông Trump từng mô tả việc gặp gỡ đó giống như “đang yêu”. Mỹ yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi ông Kim đòi dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, và cuối cùng hai bên không thể thoả hiệp.

Chưa rõ nỗ lực ngoại giao mới sẽ mang lại kết quả gì. Mục tiêu ban đầu của ông Trump có thể là tái lập tiếp xúc cơ bản, nhưng mục tiêu hoặc thời gian cụ thể chưa được xác định, các nguồn tin cho biết.

Theo một người nắm được suy tính của đội ngũ chuyển giao, vấn đề này có thể phải nhường chỗ cho những ưu tiên cấp bách hơn ở Trung Đông và Ukraine.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên chưa đề cập đến việc ông Trump tái đắc cử. Trong tháng này, ông Kim cho rằng Mỹ đang gây căng thẳng và khiêu khích, làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Ông Trump và một số đồng minh của ông rời nhiệm sở với ấn tượng rằng, cách tiếp cận trực tiếp là cơ hội tốt nhất của Washington để tác động đến hành vi của Triều Tiên, quốc gia bị chia cắt với Hàn Quốc bởi khu phi quân sự trong suốt 7 thập kỷ. Cuộc chiến giữa hai quốc gia chưa bao giờ chính thức kết thúc dù súng đã ngừng nổ.

Cuối tuần trước, ông Trump bổ nhiệm Alex Wong, người từng triển khai chiến lược ban đầu với Triều Tiên, làm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia. “Với tư cách là Phó Đặc phái viên về Triều Tiên, ông ấy đã giúp đàm phán hội nghị thượng đỉnh của tôi với ông Kim Jong Un”, ông Trump cho biết.

Ông Trump sẽ phải xử lý mối quan hệ căng thẳng hơn giữa Mỹ và Triều Tiên khi quay lại Nhà Trắng vào 1.

Washington quan ngại về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa ngày càng mở rộng của Triều Tiên, những lời lẽ thù địch gia tăng với Hàn Quốc, và sự hợp tác chặt chẽ giữa Bình Nhưỡng với Mátxcơva.

Đặc biệt, Washington lo ngại về khả năng gia tăng Triều Tiên và Nga chia sẻ công nghệ hạt nhân hoặc tên lửa, cũng như việc triển khai hàng nghìn binh sĩ Triều Tiên sang Nga để tham gia cuộc xung đột ở Ukraine.

Đầu tuần này, báo chí phương Tây dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết Triều Tiên đang mở rộng một khu phức hợp sản xuất vũ khí quan trọng, nơi lắp ráp loại tên lửa tầm ngắn mà Nga đang sử dụng ở Ukraine.

Theo Reuters

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/doi-ngu-tro-ly-cua-ong-trump-tinh-chuyen-dam-phan-truc-tiep-voi-lanh-dao-trieu-tien-a141448.html