Mới đầu đông, lượng khí đốt lưu trữ mà châu Âu rút ra mỗi ngày đã tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, giá tăng liên tục: Mùa đông không lạnh có lặp lại trước nguy cơ mất nguồn cung từ Nga?

Giá khí đốt tại châu Âu liên tục tăng cao trước nhu cầu gia tăng vào mùa đông.

Mới đầu đông, lượng khí đốt lưu trữ mà châu Âu rút ra mỗi ngày đã tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, giá tăng liên tục: Mùa đông không lạnh có lặp lại trước nguy cơ mất nguồn cung từ Nga?- Ảnh 1.

Các nước châu Âu đang rút hơn 500 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày để sử dụng từ các cơ sở lưu trữ ngầm (UGS), dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE) cho biết.

Kể từ đầu mùa đông, lượng khí đốt rút ra từ các cơ sở UGS đã cao gấp rưỡi so với năm ngoái.

Giá khí đốt trên sàn giao dịch ở châu Âu là khoảng 525 USD cho 1.000 m3. Trong khi đó, tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) mỗi ngày cung cấp 42,4 triệu m3 khí đốt cho châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.

Theo GIE, lượng khí đốt được rút ra từ các cơ sở UGS tại các nước EU lên tới 528 triệu m3 vào ngày 20/11. Trong khi đó, lượng khí đốt được bơm ra đạt 14 triệu m3. Các cơ sở tích trữ khí đốt của châu Âu hiện đã đầy 89,4% (thấp hơn 1,46 điểm phần trăm so với mức trung bình tính đến thời điểm này trong 5 năm qua), với 99,2 tỷ m3 khí đốt được lưu trữ.

Giá mua khí đốt trung bình là 456 USD cho 1.000 m3 tại châu Âu vào tháng 10 và đã tăng lên 484 USD vào tháng 11.

Nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà ga đến hệ thống vận chuyển khí đốt của châu Âu trong tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021.

EU vượt qua được mùa đông 2022-2023 được cho là nhờ may mắn, vì thời tiết ôn hòa hơn bình thường. Hiện tại, kho dự trữ của EU đã đầy nhưng chưa đủ để đảm bảo không xảy ra thiếu hụt nếu mùa đông lạnh hơn 2 năm trước.

Trong khi đó, châu Âu cần khí đốt ngay bây giờ, vì Ukraine tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt đường ống với Nga. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 12 năm nay.

Nếu EU không tìm được nguồn thay thế hoàn toàn cho khí đốt Nga, họ có thể kết thúc mùa đông với lượng khí đốt dự trữ chỉ còn 30% và giá cao hơn. Trong trường hợp xấu nhất, châu Âu thậm chí có thể sử dụng hết kho dự trữ.

Đáng chú ý, Nga vừa quay lại vị trí nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU sau hơn 2 năm bất chấp các nỗ lực của khối này trong việc ngừng mua nhiên liệu từ Moscow. Dựa trên dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Châu Âu (Eurostat), tờ Sputnik (Nga) cho biết các doanh nghiệp châu Âu đã chi 1,48 tỷ USD mua khi đốt Nga trong tháng 9, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng hợp

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/moi-dau-dong-luong-khi-dot-luu-tru-ma-chau-au-rut-ra-moi-ngay-da-tang-gap-ruoi-so-voi-nam-ngoai-gia-tang-lien-tuc-mua-dong-khong-lanh-co-lap-lai-truoc-nguy-co-mat-nguon-cung-tu-nga-a140663.html