Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia

Theo Đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia ngay từ 2026 thì không hợp lý.

Sáng 22/11, thảo luận ở tổ về dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu được phân làm 2 loại, gồm trên 20 độ cồn và dưới 20 độ cồn.

"Ở góc độ người tiêu dùng tôi thấy không hợp lý bởi độ nặng sẽ uống ít, độ nhẹ thì uống nhiều. Việc phân ra thế này tạo cơ hội đưa nồng độ cồn vào dưới dạng rượu giá rẻ hơn, rượu mạnh hơn. Tôi đề nghị nên thống nhất việc mức thuế đối với loại rượu bởi rượu có nồng độ cồn ít uống nhiều sẽ thành nhiều độ cồn", đại biểu Hiếu phân tích.

Với bia có loại nồng độ cồn thấp hơn 20 độ, có bia 11 độ, có bia 5-6 độ nhưng cùng là bia lại đánh mức thuế cao hơn nhiều so với rượu dưới 20 độ cồn. Đại biểu cho rằng điều này cũng không hợp lý.

Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia- Ảnh 1.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình).

Ông Hiếu kiến nghị chỉ nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng bia sau năm 2026 vì trong 3-4 năm vừa qua và trong một vài năm tới chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, hỗ trợ các hình thức khác...trong khi lại áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt ngay từ năm 2026 thì không hợp lý.

"Khi áp dụng thuế này tác động đến môi trường thì doanh nghiệp phải có thời gian nhất định để cơ cấu lại sản phẩm. Đặc biệt một số doanh nghiệp chỉ kinh doanh bia, nếu không cho họ thời gian hợp lý thì họ chỉ có một con đường là suy thoái dần dần. Vì vậy cần ít nhất 2 năm để họ sản xuất ra bia 0 độ và những loại đồ uống khác để thay thế", đại biểu Hiếu đề xuất.

Về nước giải khát có đường, đại biểu cho rằng không nên đánh thuế vì rất quan trọng với đời sống. Theo ông Hiếu, dù mục tiêu là để giảm tiêu thụ lượng đường thông qua nước ngọt và nhằm giảm nguy cơ béo phì, tuy nhiên chúng ta tiêu thụ đường qua nhiều thứ khác như sinh tố, cafe...Như vậy nếu có giảm lượng tiêu thụ nước ngọt cũng không làm giảm béo phì, chưa kể việc tiêu thụ nước ngọt của chúng ta chưa đáng kể.

Mặt khác, nếu giảm lượng tiêu thụ nước ngọt sẽ gây hậu quả lớn, đó là không tăng được thuế. Nếu ngành nước ngọt giảm sản lượng thì cũng tác động đến 20 ngành khác như ngành marketing, ngành vận chuyển... "Kịch bản thứ nhất giảm sản lượng nước ngọt cũng không giảm được béo phì nhưng sẽ thiệt hại đến kinh tế. Kịch bản thứ hai là doanh nghiệp không giảm sản lượng nhưng bị đánh thuế thì người tiêu dùng sẽ phải chịu thêm chi phí", ông Hiếu nói.

Đại biểu Quốc hội đề xuất lùi thời gian đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với bia- Ảnh 2.

Đại biểu Dương Khắc Mai tham gia thảo luận tại tổ.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Hiếu về việc nên lùi thời gian áp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) nhấn mạnh, không nên ghép chữ bia - rượu vào với nhau.

"Bia là giải khát. Đánh thuế là nguy hiểm, tác động rất nhiều đến các lĩnh vực khác, nhất là doanh nghiệp. Để ra một giọt bia cần nhiều phụ trợ, chưa kể ngân sách thu lại rất nhiều. Công ty mới "nhú" ra được một chút từ đầu dịch COVID-19 thì lại bị đánh thuế. Tôi nghĩ thu thuế là đúng nhưng để phương án 1" , đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu.

Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc sử dụng, lạm dụng bia rượu gây nhiều hệ luỵ nghiêm trọng về mặt xã hội như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Theo báo cáo, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng nhanh.

"Do đó, để giảm mức tiêu thụ rượu, bia, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tôi chọn phương án 2 theo các lộ trình thuế suất cụ thể của dự thảo", đại biểu Dương Khắc Mai đề xuất.

Với quy định mức thuế suất 10% đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, đại biểu Dương Khắc Mai cho biết cần phải có đánh giá chung tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam gắn với nguyên nhân nào là chủ yếu. Đồng thời, cần đánh giá nhóm dân cư nào sử dụng nhiều nhất nước giải khát có đường, có hàm lượng đường 5g/100ml. Nếu thực sự việc sử dụng nước ngọt, nước giải khát có đường là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì thì phải có quy định để hạn chế vấn đề này.

Với các mặt hàng rượu, bia, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đưa ra 2 phương án, trong đó Chính phủ nghiêng về phương án thứ 2. Cụ thể, với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Đối với mặt hàng bia, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Theo Chính phủ, phương án 2 sẽ có tác dụng giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm rượu, bia mạnh hơn, tác động tốt hơn trong việc giảm tỉ lệ sử dụng rượu, bia và giảm các tác hại liên quan do việc lạm dụng rượu, bia gây ra.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-lui-thoi-gian-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-bia-a140603.html