ICC phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel: Tổng thống Mỹ phản ứng dữ dội, đại diện EU nói nên thực hiện

Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, kiên quyết bác bỏ động thái của ICC.

Tòa Án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 21/11 đã phát lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, cùng thủ lĩnh Ibrahim Al-Masri của Hamas với cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột ở Gaza, Reuters đưa tin.

Phản ứng với quyết định của ICC, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi đây là hành động vô cùng thái quá.

"Lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế nhằm vào các lãnh đạo Israel là phản cảm không thể chấp nhận được", ông Biden nói trong một tuyên bố, "Hãy để tôi nói rõ một lần nữa: Bất kể ICC có ý gì thì cũng không bao giờ có sự tương đương - không hề có - giữa Israel và Hamas. Chúng tôi sẽ luôn đứng về phía Israel để chống lại các mối đe dọa đến an ninh của họ".

Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, kiên quyết bác bỏ động thái của ICC.

"Chúng tôi rất lo ngại về sự vội vàng của công tố viên trong việc tìm kiếm các lệnh bắt giữ và các lỗi xử lý quy trình đáng lo ngại đã dẫn đến quyết định này", phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho hay.

Lý giải về quyết định của mình, các thẩm phán của ICC cho biết, họ có cơ sở hợp lý để tin rằng các ông Netanyahu và Yoav Gallant có trách nhiệm hình sự liên quan tới một số hành vi như một phần trong cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Gaza.

Lệnh bắt giữ đối với ông Masri thì liệt kê các cáo buộc sát hại tập thể trong các cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023, động thái phát động chiến tranh ở Gaza, cùng các cáo buộc bắt cóc con tin.

Về phần mình, cả Israel và Hamas đều lên tiếng phủ nhận tội ác chiến tranh.

Quyết định của ICC đã vấp phải sự phản đối ở Israel, nước này gọi đó là hành động đáng xấu hổ và vô lý. Trong khi đó, Hamas bày tỏ hoan nghênh đối với các lệnh bắt giữ nhằm vào quan chức Israel, còn người dân Gaza thì hy vọng rằng nó sẽ giúp chấm dứt bạo lực tại khu vực này.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Ủy viên chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu Josep Borrell, cho rằng quyết định không phải là động thái chính trị mà do một tòa án đưa ra, nên được tôn trọng và thực hiện. "Thảm kịch ở Gaza cần phải chấm dứt," ông nói.

Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cũng cho rằng quyết định của ICC phải được thực hiện, và nói thêm rằng người Palestine xứng đáng có được công lý sau những gì Israel đã làm ở Gaza.

Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp nhấn mạnh, Hà Lan sẽ hành động dựa trên lệnh bắt giữ đối với những người hiện diện trên lãnh thổ của mình và sẽ không tham gia vào các liên lạc "không cần thiết".

Israel khẳng định họ đã hạ sát thành công Masri, còn được biết đến với tên gọi Mohammed Deif, trong một cuộc không kích vào tháng 7 nhưng Hamas không xác nhận, cũng không phủ nhận điều này.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) được thành lập vào năm 2002, trở thành tòa thường trực cấp cao để truy tố các cá nhân phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tội ác diệt chủng và tội xâm lược.

Mỹ, Israel và các cường quốc như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ không phải thành viên của ICC. Hiện cơ quan này nhận được sự ủng hộ từ tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Brazil, Nhật Bản cùng nhiều quốc gia ở châu Phi và Mỹ Latin.

Mặc dù vậy, ICC có thể thực hiện các cuộc điều tra trên lãnh thổ thành viên, trong đó có Nhà nước Palestine - vốn được ICC công nhận là thành viên năm 2015. Năm 2021, trưởng công tố viên của ICC ở thời điểm đó đã tuyên bố mở cuộc điều tra về khả năng có tội ác được thực hiện trên lãnh thổ Palestine.

Tòa án này không có lực lượng cảnh sát riêng để thực hiện các vụ bắt giữ và phụ thuộc vào 124 quốc gia thành viên của mình cho việc đó, trong khi phương tiện ngoại giao có phần hạn chế.

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/icc-phat-lenh-bat-giu-thu-tuong-israel-tong-thong-my-phan-ung-du-doi-dai-dien-eu-noi-nen-thuc-hien-a140568.html