“Vũ khí năng lượng” mới của Nga khiến Mỹ lo ngại: Mối quan hệ Trump - Putin cũng không thể giúp ích

Châu Âu đã quá quen với động thái biến năng lượng thành vũ khí của Nga sau khi Moscow cắt giảm nguồn cung khí đốt khiến chi phí sưởi ấm vào mùa đông tăng vọt.

Nga hạn chế xuất khẩu uranium sang Mỹ; Tác động sẽ không đến ngay lập tức; Đây là "một tình huống rất đáng lo ngại".

Theo tờ Telegraph (Anh), đây là tình cảnh mà hầu như không thể cảm nhận được ở nước Mỹ vốn giàu tài nguyên dầu khí, có đủ sản lượng để đáp ứng mọi nhu cầu trong nước cũng như giúp đỡ châu Âu thông qua xuất khẩu nhiên liệu.

Tuy nhiên, hiện tại, Nga có thể đang hướng tới một "vũ khí năng lượng" mà trước đây chưa dùng tới: nhiên liệu hạt nhân giúp duy trì ánh sáng cho hàng triệu hộ gia đình ở Mỹ.

“Vũ khí năng lượng” mới của Nga khiến Mỹ lo ngại: Mối quan hệ Trump - Putin cũng không thể giúp ích- Ảnh 1.

Nga cho biết sẽ áp đặt các hạn chế tạm thời đối với việc xuất khẩu uranium được làm giàu sang Mỹ. Ảnh: IAEA

Nga hạn chế xuất khẩu uranium sang Mỹ

Telegraph đưa tin, Điện Kremlin hôm 15/11 cho biết sẽ áp đặt các hạn chế tạm thời đối với việc xuất khẩu uranium được làm giàu sang Mỹ. Thời điểm và thời hạn chính xác của các hạn chế này vẫn chưa rõ ràng.

Các nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân của Mỹ phụ thuộc vào Nga để đáp ứng hơn 1/4 nguồn cung uranium. Các nguồn tin trong ngành nhấn mạnh với Telegraph rằng tác động từ lệnh cấm xuất khẩu của Nga sẽ chưa thể cảm nhận ngay lập tức vì các đơn hàng được đặt trước khá lâu.

Tuy nhiên, động thái mới có khả năng gây ra sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng uranium toàn cầu vốn tương đối mong manh. Nga là nhà sản xuất uranium lớn thứ sáu thế giới và kiểm soát khoảng 44% công suất làm giàu uranium toàn cầu, khiến nước này trở thành một đối tác quốc tế quan trọng.

Telegraph nhận định, đó là lý do tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc doanh Rosatom của Nga tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột Ukraine trong một thời gian dài. Nhờ đó, Nga vẫn thu được khoảng 3,1 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu uranium, bao gồm 905 triệu USD từ hoạt động xuất khẩu sang Mỹ.

Các nhà lập pháp Mỹ đã thực hiện bước đầu tiên để thay đổi tình hình vào tháng 5 khi thông qua dự luật yêu cầu ngừng nhập khẩu uranium của Nga từ tháng 8. Tuy nhiên, dự luật bao gồm các quyền miễn trừ đáng kể cho phép các công ty hạ tầng công cộng của Mỹ tiếp tục nhập khẩu uranium của Nga cho đến năm 2027 để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Vào đầu tháng này, trước động thái hạn chế của Nga, gã khổng lồ hạt nhân Westinghouse của Mỹ đã nhận được một lô hàng uranium được làm giàu thông qua một tàu chở dầu ARRC Line, theo truyền thông Nga.

Và đến ngày 18/11, Rosatom cho biết việc xuất khẩu uranium sang Mỹ sẽ "tiếp tục không thay đổi" đối với các khách hàng có hợp đồng trong thời điểm hiện tại.

Nhưng có lo ngại rằng động thái mới nhất của Moscow sẽ mở ra cánh cửa cho những thay đổi vượt ra ngoài các biện pháp “ăn miếng trả miếng” mang tính biểu tượng.

Một số nhà phân tích tin rằng động thái này có thể sớm dẫn đến "khoảnh khắc Cigar Lake", ám chỉ đến vụ ngập lụt tại một mỏ uranium do gã khổng lồ trong ngành Cameco của Canada điều hành vào năm 2006 khiến giá uranium tăng vọt.

Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy điều này vào ngày 18/11 khi giá giao ngay đối với uranium thô tăng vọt từ mức thấp nhất trong một năm qua là 76,50 USD/pound lên 82 USD/pound (1 pound tương đương 0,454 kg).

Có cả mục tiêu chính trị và kinh tế

Công ty tư vấn và môi giới tập trung vào uranium Ocean Wall, có trụ sở tại London, thông tin đến khách hàng vào cuối tuần qua rằng: "Mỹ đang phải đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu của Nga ít nhất một năm."

Ocean Wall dẫn lời phát biểu của Giám đốc Quỹ phát triển năng lượng Nga Andrei Listovsky, người đã nói với giới truyền thông Nga hôm 15/11 rằng động thái trên có cả mục tiêu chính trị và kinh tế.

"Mục tiêu chính trị là không bán các nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược cho các quốc gia không thân thiện, bao gồm cả Mỹ", ông Listovsky nói. "Mục tiêu kinh tế là tiết kiệm nhiều hơn các nguồn tài nguyên có giá trị cho những quốc gia sẵn sàng hợp tác với Nga".

Ông Listovsky gợi ý rằng, Nga có thể tập trung vào xuất khẩu sang Ấn Độ, Iran và Trung Quốc - nơi Rosatom đã hoặc đang xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới.

Theo Telegraph, hiện tại vẫn chưa rõ mức độ thực chất của lời cảnh báo nói trên. Tuy nhiên, trước đây Nga từng cho thấy họ sẵn sàng hủy bỏ thỏa thuận với các quốc gia nếu có tranh chấp, như việc cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Áo vào đầu tháng 11 sau những bất đồng về thanh toán.

Nhà phân tích về uranium Jonathan Hinze cho biết, hầu hết các chuyến hàng uranium được làm giàu vẫn sẽ được giao cho Mỹ trong năm nay, nhưng động thái trên có thể ảnh hưởng đến các chuyến hàng vào năm tới.

"Sẽ có một số công ty tiện ích mong chờ nhiên liệu đó và bây giờ có thể họ sẽ không nhận được", Hinze nói thêm.

Nick Lawson - đồng sáng lập Ocean Wall - cho biết mối quan hệ gần gũi hơn giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể không đủ để hàn gắn mọi thứ.

"Bạn có giai đoạn gián đoạn bất ổn này", Lawson nói. "Ngay cả khi ông Donald Trump lên tiếng và nói rằng 'chúng ta lại là bạn thân với người Nga', thì chuỗi nhiên liệu hạt nhân vẫn rất mong manh và đã bị phá vỡ tại hai điểm: UF6 và EUP."

“Vũ khí năng lượng” mới của Nga khiến Mỹ lo ngại: Mối quan hệ Trump - Putin cũng không thể giúp ích- Ảnh 2.

Mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai ông Donald Trump và Vladimir Putin có thể không khắc phục được tình trạng thiếu hụt uranium. Ảnh: AFP

Chuỗi cung ứng uranium mong manh

Lawson cho biết, UF6, hay uranium hexafluoride (còn được gọi là "hex"), là hợp chất được chuyển đổi thành "sản phẩm uranium được làm giàu" (EUP). Nguồn cung của cả hai loại nhiên liệu này trên toàn cầu hiện rất hạn chế khi so sánh với nhu cầu dự kiến trong tương lai.

Theo Telegraph, Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Pháp đã đạt được thỏa thuận hợp tác sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho mục đích dân sự vào tháng 12/2023 nhưng tiến độ tăng công suất làm giàu uranium vẫn còn chậm.

Cơ sở duy nhất như vậy tại Mỹ do tập đoàn Urenco của Châu Âu điều hành. Cơ sở này cung cấp 1/3 lượng uranium được làm giàu sử dụng trong các lò phản ứng của Mỹ hiện nay và đang trong quá trình mở rộng, qua đó sẽ tăng thêm 15% công suất.

Một nguồn tin trong ngành cho biết kho dự trữ uranium được làm giàu của nhà cung cấp này có công suất đủ lớn để thay thế lượng uranium mất đi từ Nga trong trường hợp xấu nhất, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, tình cảnh này đã nêu bật vấn đề mà các nước phương Tây vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Nga đối với một loại tài nguyên quan trọng.

Một trong những công ty khai thác uranium lớn nhất thế giới là Cameco, có trụ sở tại Canada, cho biết: "Để phá vỡ sự phụ thuộc vào Nga và các doanh nghiệp nhà nước khác, cần có các động thái phối hợp của phương Tây."

Ông Nick Lawson cảnh báo: "Chuỗi cung ứng uranium vẫn rất mong manh, ngay cả khi thương mại thế giới ở mức tự do và dễ chịu nhất. Với những gì đã xảy ra trong vài năm qua, điều đó đã được chứng minh. Vì vậy, đây là một tình huống rất đáng lo ngại."


Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/vu-khi-nang-luong-moi-cua-nga-khien-my-lo-ngai-moi-quan-he-trump-putin-cung-khong-the-giup-ich-a140483.html