Đế chế Google 2.000 tỷ USD gặp nguy hiểm: Bị yêu cầu bán Chrome, hệ sinh thái Android nguy cơ bị phá vỡ

Bán Chrome là hình phạt tệ nhất với Google.

Bộ Tư pháp vừa gửi yêu cầu lên tòa án liên bang, kêu gọi Alphabet, công ty mẹ của Google, bán Chrome và giảm các hành động độc quyền. Động thái được cho là có thể thay đổi cơ bản hoạt động kinh doanh của công ty trị giá 2 nghìn tỷ USD, đồng thời định hình lại sự cạnh tranh trên Internet.

Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng các hành vi phản cạnh tranh của Google đã dẫn đến những nguy hại, phức tạp chưa từng có đối với các thị trường đang phát triển nhanh chóng. Những thị trường này được cho là không thể thiếu trong cuộc sống của tất cả người dân.

Yêu cầu theo sau phán quyết mang tính bước ngoặt vào tháng 8 của Thẩm phán Amit P.Mheta, trong đó phát hiện Google đã duy trì độc quyền tìm kiếm trực tuyến một cách bất hợp pháp. Ngoài việc bán Chrome, chính phủ sẽ yêu cầu Thẩm phán Mehta cấm Google tham gia vào các thỏa thuận trả phí với Apple và các công ty khác để trở thành công cụ tìm kiếm tự động trên điện thoại thông minh và trong trình duyệt. Phía Google cũng phải xem xét chia sẻ dữ liệu với các đối thủ cạnh tranh, theo The NY Times.

Nếu Thẩm phán Mehta thông qua các đề xuất, một loạt các vụ kiện khác sẽ được tái định hình, từ đó thách thức sự thống trị của các gã khổng lồ công nghệ bao gồm Apple, Amazon và Meta.

Bán Chrome là hình phạt tệ nhất với Google. Chrome, miễn phí sử dụng, là trình duyệt web phổ biến nhất trên thế giới nằm trong hệ sinh thái Google phức tạp. Công cụ tìm kiếm của Google được tích hợp vào Chrome.

Google sẽ nộp các đề xuất của riêng mình để cải thiện tình trạng độc quyền tìm kiếm vào ngày 20 tháng 12.

“DOJ tiếp tục thúc đẩy một chương trình nghị sự cấp tiến vượt xa các vấn đề pháp lý trong trường hợp này”, Lee-Anne Mulholland, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý tại Google, cho biết. “Việc chính phủ can thiệp theo những cách này sẽ gây hại cho người tiêu dùng, nhà phát triển và lãnh đạo công nghệ Mỹ vào đúng thời điểm cần thiết nhất”.

Trong những năm gần đây, cơ quan quản lý đã đàn áp quyền lực của các công ty công nghệ lớn. Bộ Tư pháp cũng đã kiện Google vì sự thống trị của hãng trong công nghệ quảng cáo, đồng thời cáo buộc Apple khiến người dùng khó tách rời hệ sinh thái riêng. Ủy ban Thương mại Liên bang cũng kiện riêng Amazon và Meta, cáo buộc họ có hành vi cạnh tranh và kìm hãm đối thủ.

Các luật sư của Bộ Tư pháp cho biết Google đã ký các thỏa thuận với Apple, Mozilla, Samsung và các công ty khác để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định xuất hiện khi người dùng mở điện thoại thông minh hoặc tab mới trong trình duyệt web. Tổng cộng, Google đã trả 26,3 tỷ USD như một phần của các thỏa thuận đó vào năm 2021, theo bằng chứng được trình bày tại phiên tòa.

Chính phủ lập luận những thỏa thuận trên giúp củng cố quyền lực của Google. Công ty sau đó sẽ sử dụng dữ liệu thu thập được để cải thiện công cụ tìm kiếm, khuyến khích khách hàng quay lại.

Giới quan sát đánh giá, nếu thẩm phán Mehta chấp nhận khuyến nghị của DOJ, Google chắc chắn sẽ kháng cáo và đồng nghĩa với việc cuộc chiến pháp lý giữa cả hai sẽ tiếp tục sau nhiều năm kéo dài.

Gần 4 thập kỷ qua, chưa có một tập đoàn nào của Mỹ bị buộc phải chia tách do hành vi độc quyền. Nhiều ông lớn như Microsoft, Apple và nay là Google đều từng buộc xem xét biện pháp này nhưng khó khả thi.

Theo WSJ, Bộ Tư pháp phải thuyết phục được tòa rằng ngoài việc chia tách công ty, các biện pháp khắc phục khác là không hiệu quả. Thẩm phán thường coi việc chia tách là giải pháp cực đoan vì điều này có thể gây ra những hệ luỵ không mong muốn.

Trong phản hồi sau đó trên blog, Alphabet, công ty mẹ của Google, gọi kế hoạch của chính phủ là quá cực đoan và có thể làm xấu đi trải nghiệm người dùng. Công ty cũng nhấn mạnh sự chia tách có thể phá vỡ Android và Chrome, đồng thời cản trở đổi mới AI và buộc công ty phải chia sẻ thông tin cá nhân với đối thủ cạnh tranh. Quyền riêng tư của người dùng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

“Vấn đề này liên quan đến một loạt hợp đồng phân phối dịch vụ tìm kiếm”, Google viết trên blog. “Thay vì tập trung vào đó, chính phủ dường như đang theo đuổi một chương trình lớn hơn, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp và sản phẩm, kèm theo những hậu quả không lường trước”.

Theo: WSJ, The NY Times

Link nội dung: https://saigoneconomy247.com/de-che-google-2000-ty-usd-gap-nguy-hiem-bi-yeu-cau-ban-chrome-he-sinh-thai-android-nguy-co-bi-pha-vo-a140451.html